Chuyện đời của Colleen McCullough là chuyện về cô con gái "béo và xấu" của ông thợ gặt mía vươn lên từ tuổi thơ thiệt thòi ở Australia, trở thành nghiên cứu sinh khoa học Mỹ, sau đó là nhà văn nổi tiếng toàn cầu.
Tình yêu sách
Sinh vào ngày 1/6/1937 ở vùng đồng quê bang New South Wales, Australia, Colleen McCullough trải qua tuổi thơ trong những trại cừu và đồng mía mà cha cô là thợ gặt. Cha cô là dân nhập cư từ Anh còn mẹ cô có gốc Thiên chúa giáo từ New Zealand. Hai người cãi vã triền miên và thường lừa dối nhau.
“Tôi có tuổi thơ bất hạnh”, nữ văn sĩ luôn nói như vậy. “Cha tôi là một gã khốn đúng nghĩa, một gã đểu ưa bạo lực nhưng tán gái đại tài và luôn vắng nhà. Sau này ông mất, chúng tôi phát hiện ông có ít nhất hai vợ khác. Mẹ tôi là người đàn bà luôn chửi tục, khô khan và rất khó gần. Mẹ không bao giờ ôm hôn tôi và em trai. Mẹ không bao giờ tỏ ra mến tôi cho tới lúc tôi kiếm ra thật nhiều tiền”.
Colleen McCullough khá mũm mĩm và thường bị gọi là mọt sách. Bà luôn bị cha mắng: “Ra ngoài và phụ việc chân tay giặt giũ đi. Mày thì chỉ có thể làm được thế thôi. Mày sẽ không bao giờ kiếm được chồng. Mày quá to, béo và xấu”. Trong khi đó, mẹ Colleen luôn bắt cô bé đến bác sĩ và thực hành ăn kiêng. “Mẹ cố biến tôi thành đứa trẻ xinh xắn biết mặc váy”. Nhưng Colleen là một cô gái thông minh và nhạy cảm. “Tôi đã trốn thoát những cơn dày vò của tuổi thơ trong gia đình bằng việc đọc. Tới hôm nay, đọc sách vẫn là một trong những lạc thú tuyệt vời nhất của tôi”, bà kể lại khi đã 70 tuổi.
Chính tuổi thơ cay nghiệt đã khiến cô gái nhỏ mơ làm bác sĩ để "không bao giờ dựa dẫm vào đàn ông một đồng xu nào, không dựa dẫm hay đứng dưới ai, nhất định trở thành bà chủ".
Tình bạn với người em trai chết trẻ
Theo Colleen McCullough, người thân gần gũi duy nhất với bà trong tuổi thơ là cậu em trai cũng nhạy cảm và mê sách - Carl. “Nó kém tôi 15 tháng tuổi nhưng chúng tôi gắn bó với nhau như một cặp song sinh. Chúng tôi đã cùng nhau chống lại sự dửng dưng trong tổ ấm của cha mẹ mình”.
Năm 1965, khi Colleen đang là sinh viên ở Mỹ, em trai bà chết đuối trên biển, ngoài khơi Hy Lạp khi cứu hai người khác. Năm 2011, trong tập tản văn - hồi ký Life Without the Boring Bits, bà tin rằng em mình đã tự tử thay vì bị tai nạn. Những bức thư của Carl cho bà thấy em trai mình bị trầm cảm kéo dài.
Mỗi lần nhắc đến Carl người đàn bà phốp pháp dùng giọng nhỏ nhẹ nhưng đau lòng: “Đó là nỗi đau lớn nhất đời tôi”. Sau cái chết của em trai, bố bà từ chối chi trả để mang xác con về Australia. Em trai bà được chôn cất tại một nghĩa trang vô danh ở đảo Crete. Tám năm sau đó, bà tìm được nghĩa trang nhưng cũng không dám tới thăm.
Trong khi đó, nói về cái chết của mẹ hồi năm 2007, nữ văn sĩ chia sẻ: “Bà ấy ra đi thanh thản, 95 tuổi. Mấy năm cuối đời, bà điếc, mù và thù hận với cả thế giới. Sự tồn tại của bà thật kinh khủng và tôi mừng rỡ khi bà ấy mất”. Một phần vì không muốn sống gần gia đình, nữ nhà văn sau khi thành danh đã trở về Australia nhưng chọn ra đảo sống.
Em trai quá cố ám ảnh bà và được chuyển thành nhân vật thấp thoáng xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết. Ở Tiếng chim hót trong bụi mận gai, nhân vật Dane cũng xuất hiện rồi chết tương tự Carl.
Mối tình cấm đoán trong văn chương
Niềm đam mê sách hồi nhỏ được dịp trở lại khi Colleen McCullough là nghiên cứu sinh y khoa ở Mỹ. Tiểu thuyết đầu tiên của bà - Tim - kể về mối tình giữa một phụ nữ trung niên và một người đàn ông kém tuổi hiền hòa. Sách xuất bản năm 1974 không gây nhiều chú ý. Cùng lúc đó, một đồng nghiệp ở Đại học Yale của bà lại thành công với cuốn tiểu thuyết cổ điển Love Story.
Colleen McCullough quyết định phỏng vấn các sinh viên để tìm hiểu vì sao họ thích Love Story. Câu trả lời từ sinh viên - tình yêu, các nhân vật, cốt truyện - sau đó được bà kết hợp vào câu chuyện thứ hai, lấy bối cảnh một trang trại cừu Australia, xoay quanh mối tình bị ngăn cấm giữa một cha xứ và một cô gái đồng quê. Tác phẩm mang tên The Thorn Birds (Tiếng chim hót trong bụi mận gai).
Tên gọi Tiếng chim hót trong bụi mận gai lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian Celtic về một loài chim tự đâm mình vào cây gai “và trong lúc hấp hối nó cất lên giọng ca đẹp nhất”. Cảm hứng đã giúp người đàn bà hay đau ốm vặt viết 692 trang sách trong ba tháng, vào mỗi đêm sau một ngày làm việc. Một trong những lý do khiến bà dành tâm huyết cho văn chương là bởi bà nhận ra mình sẽ không trở thành nhà khoa học. “Tôi nhìn trước thấy tuổi già nếu tôi trở thành nhà khoa học. Và tôi không chọn điều đó”, nữ văn sĩ kể.
Trong khi đang viết dở truyện Tiếng chim hót trong bụi mận gai, bà nhận ra bản chất câu chuyện tình của hai nhân vật. “Mối tình của cha xứ Ralph và cô gái Meggie chắc chắn sẽ có tàn cục ngay từ trước khi khởi điểm, bởi chính bản tính của hai nhân vật này. Tôi biết có những người như thế. Họ thích tạo ra thảm kịch để rồi cảm thấy mình là người hùng trong chính thảm kịch của bản thân”.
Tuy mê hoặc công chúng, giống như phần lớn tiểu thuyết tình yêu và trinh thám của các nữ nhà văn khác, Tiếng chim hót trong bụi mận gai bị giới hàn lâm ghẻ lạnh. “Không nên kỳ vọng The Thorn Birds là tác phẩm vĩ đại. Trong truyện có nhiều chi tiết về kịch bản và nhân vật không hợp lý. Thế nhưng chối bỏ nó hoàn toàn cũng là sai. Tác phẩm này đưa ra một nhân vật nam chính tuyệt vời nhất từ thời Rhett Butler của Gone with The Wind”, Alice K. Turner viết trên New York Times. Trong khi đó, nhà phê bình Germaine Greer mô tả “The Thorn Birds là cuốn sách tệ nhất tôi từng đọc”.
Đáp lại những lời chê của giới phê bình, Colleen McCullough chia sẻ: “Tôi cho rằng, sâu thẳm trong tim, họ (những người chê sách) đều biết rằng tôi an toàn hơn họ, tự tin hơn họ và thông minh hơn họ”. Nữ văn sĩ hiểu cuốn sách của bà không đến với các giải thưởng hàn lâm nhưng bà cũng từ chối viết tập hai tập ba cho The Thorn Birds, bất chấp nhiều lời đề nghị từ các nhà xuất bản.
Sung túc nhờ Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen McCullough trở thành con người lạc quan, không phải lo lắng, luôn cười rạng rỡ, hút xì gà mỗi ngày và cần mẫn viết sách. Theo New York Times, một ngày McCullough sản xuất trung bình 15.000 chữ và có ngày tới 30.000 chữ. Bà giữ thói quen không thay đổi từ thời máy đánh chữ sang vi tính.
Trong 25 tác phẩm của bà, có những loạt tác phẩm đồ sộ như Masters of Rome hay Carmine Delmonico. Giữa các đề tài, tình yêu vẫn là một trong những đề tài hấp dẫn nhất của bà. Cuốn sách cuối cùng của bà ra mắt năm 2013 có tên Bittersweet là một chuyện tình, kể về một cặp chị em song sinh. Bittersweet được bà viết để giải trí cho bản thân sau khi thị lực đã giảm sút. Các tiểu thuyết của McCullough được đánh giá cao ở cốt truyện phức tạp, các nhân vật gây đồng cảm và những số phận giàu sức sống.
Mối duyên với người chồng kém 13 tuổi
Nửa cuối thập kỷ 1970, Colleen McCullough vừa thành danh với Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Bà thôi nghề y khoa và trở về Australia, chọn sống trên đảo Norfolk bởi cho rằng hòn đảo hẻo lánh sẽ giúp bà hoàn toàn chú tâm vào việc viết. Chính trên hòn đảo này, bà gặp người đàn ông của đời mình.
“40 tuổi, tôi chưa bao giờ có bạn trai sống cùng nhà. Tôi thường tiễn mọi người yêu ra cửa lúc nửa đêm. Tôi vinh danh sự độc lập của mình như thế. Nhưng Ric là người đàn ông tử tế nhất mà tôi từng gặp”. Năm 46 tuổi, bà kết hôn với Ric Robinson kém mình 13 tuổi. Cuộc hôn nhân khiến chồng bà bị cho là “kẻ đào mỏ”. Thế nhưng, hai người hạnh phúc và luôn yêu thương nhau cho tới khi bà mất. McCullough mô tả: “Ric là người duy nhất tôi từng gặp có thể kiểm soát tôi, và đó là lý do có lẽ tôi cưới anh ấy. Anh ấy là một quý ông gần gũi tôi về mặt tinh thần”.
Ngày 29/1/2015, nữ văn sĩ được coi là biểu tượng Australia qua đời. Bà ra đi sau khi đã sống cuộc đời hạnh phúc với nghiệp văn, cạnh chồng và hai con riêng của ông trên một hòn đảo. Con chim đã chết nhưng tiếng hót về tình yêu cuộc sống mãnh liệt vượt sóng đến với độc giả đất liền khắp thế giới. Colleen McCullough từng chia sẻ: “Như Caesar, tôi nghĩ chết là một giấc ngủ vĩnh hằng. Tôi không thấy có gì đáng sợ cả”.
Vũ Văn Việt