Theo danh sách người giàu nhất thế giới Hurun Global Rich List 2024 được Viện Nghiên cứu Hurun (Trung Quốc) công bố ngày 26/3, tài sản của Colin Huang đạt 53,4 tỷ USD, tăng 71% so với 2023. Kết quả này nhờ nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo tăng trưởng vượt xa kỳ vọng của thị trường, trong khi các nền tảng khác do ông sở hữu như Temu và Kuaituantuan cũng khởi sắc.
Nhờ đó, Huang vươn lên đứng đầu Trung Quốc xét riêng lĩnh vực công nghệ, và thứ hai sau Zhong Shanshan, nhà sáng lập hãng nước đóng chai Nongfu Spring. Trong khi đó, hai tỷ phủ xếp đầu mảng công nghệ trước đó là Pony Ma Huateng của Tencent và Zhang Yiming của ByteDance hiện đứng thứ ba và thứ tư với 35 tỷ và 34 tỷ USD tương ứng.
Theo Business Insider, Huang không phải là cái tên quen thuộc bên ngoài Trung Quốc. Nhưng tại quê nhà, ông nổi tiếng với nhiều sản phẩm, nhất là Pinduoduo, thuộc tập đoàn PDD, thành lập năm 2015 và được niêm yết ở sàn chứng khoán New York tháng 7/2018.
Xuất thân
Colin Huang, tên khai sinh là Huang Zheng, sinh ngày 1/1/1980, có cha mẹ làm công nhân nhà máy ở ngoại ô Hàng Châu, Chiết Giang. Đây cũng là nơi đặt trụ sở hãng thương mại điện tử Alibaba của Jack Ma.
Trong một bài viết trên Medium năm 2019, Huang cho biết bước ngoặt đến với ông vào cuối năm cấp ba, khi giành giải Olympic Toán. Giáo viên chủ nhiệm đã khuyến khích ông thi vào Trường Ngoại ngữ Hàng Châu (HFLS), ngôi trường có tính chọn lọc cao. Huang trúng tuyển, nhưng không muốn nhập học vì nghĩ nơi này chỉ tập trung vào ngoại ngữ. "Tôi muốn vào trường chuyên sâu về toán, vật lý và hóa học", Huang kể. "Sau đó, thầy hiệu trưởng gọi tôi đến và thuyết phục. Nhìn lại, thật sự cảm ơn lựa chọn học ở HFLS".
Theo ông, học ở HFLS giúp ông được tiếp xúc với văn hóa phương Tây và chịu ảnh hưởng sớm, sâu hơn so với bạn bè. Năm 18 tuổi, Huang cũng theo học khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, nhờ đó có cơ hội tiếp cận Internet và kết nối bạn bè nước ngoài đầu tiên.
Ngay từ năm nhất đại học, Huang được chọn làm thành viên Quỹ Melton - quỹ hội tụ những sinh viên trẻ từ các khu vực mới nổi trên toàn cầu. Mỗi người được cấp một máy tính và gói truy cập Internet để có thể duyệt web và nhắn tin. Họ cũng có thể đi đến một quốc gia thành viên mỗi năm.
Huang cho biết ông thấy rất may mắn vì những trải nghiệm đó mang lại cho ông cơ hội tiếp xúc văn hóa và tư duy ở tầm quốc tế, như "phượng hoàng bay khỏi chuồng gà". Tuy nhiên, ông cũng hối tiếc khi "lãng phí quá nhiều thời gian để phấn đấu trở thành số một trong lớp". Ông ước mình dành nhiều thời gian hơn để nổi loạn, nghịch ngợm và tận hưởng tuổi trẻ.
Khi học đại học, Huang nhận những đồng lương đầu tiên trong vai trò thực tập sinh ở Microsoft. Ông làm tại văn phòng Microsoft Bắc Kinh, sau đó chuyển tới Redmond, Washington. Tuy nhiên, ông đã không chọn ở lại sau khi tốt nghiệp do một người khuyên ông "xem xét một công ty có tên Google".
Google thành lập năm 1998 nhưng đến tháng 8/2004 mới thu hút sự chú ý khi huy động được hơn 1,9 tỷ USD. Trước đó 6 tháng, Huang đã gia nhập sau khi tốt nghiệp thạc sĩ khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ). Ông là kỹ sư phần mềm trước khi trở thành giám đốc sản phẩm.
Huang về Trung Quốc năm 2006 để tham gia mở văn phòng Google, theo Bloomberg. Sau một năm, ông rời đi khi thấy đã tự do tài chính. "Mãi đến 3-4 năm sau khi nghỉ, tôi mới nhận ra việc gia nhập một công ty như Google là cơ hội chỉ có một lần trong đời, và tôi đã vô cùng may mắn", ông nói.
Năm 2007, Huang mở trang thương mại điện tử Oukou, chuyên bán thiết bị điện tử như điện thoại di động và đồ gia dụng. Ba năm sau, ông bán Oukou và lập ra công ty khởi nghiệp thứ hai Leqi. Tiếp đến, ông mở thêm một studio game có tên Xumeng.
Đế chế Pinduoduo
Năm 2013, Huang nghỉ hưu ở tuổi 33, do vấn đề liên quan đến nhiễm trùng tai. Nhưng quyết định này không kéo dài lâu vì chỉ sau đó hai năm, Pinduoduo ra đời trong bối cảnh các nền tảng Alibaba và JD.com thống trị. Nhờ tích lũy được kinh nghiệm trong thương mại điện tử và game, ông tin mình có thể thành công bằng cách áp dụng trò chơi vào mua sắm trực tuyến.
Công ty huy động được hơn 100 triệu USD chỉ trong hai năm. Dựa trên kinh nghiệm về game, Huang biến Pinduoduo thành ứng dụng mua sắm "được trò chơi hóa", khuyến khích lượt truy cập hàng ngày. "Pinduoduo giống như sự kết hợp giữa Costco và Disneyland", Huang cho hay.
Ngoài tính năng thương mại điện tử, Pinduoduo thưởng tiền cho người dùng khi chơi game liên quan đến việc lôi kéo người khác đến với nền tảng. Cách tiếp cận này lập tức thu hút đông đảo người mua bán và người trả tiền quảng cáo.
Ngày 26/7/2018, cổ phiếu Pinduoduo bắt đầu giao dịch trên Nasdaq. Tuy nhiên, ông không có mặt tại New York mà ở lại Thượng Hải dự buổi lễ rung chuông với các nhà đầu tư và khách hàng Trung Quốc. Tháng 7/2020, Huang từ chức CEO. Một năm sau, ông rời ghế chủ tịch, nhưng vẫn nắm giữ 28% cổ phần tại PDD - công ty mẹ của Pinduoduo.
Về đời sống cá nhân, Huang cho biết không theo đạo Phật nhưng thường cùng ông nội đi lễ Phật khi còn nhỏ. Ông cũng trích 2,37% cổ phần của mình ở Pinduoduo cho một tổ chức từ thiện về nghiên cứu y sinh, nông nghiệp và thực phẩm. Năm 2021, ông chi 1,85 tỷ USD cho dự án trách nhiệm xã hội và nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc.
"Như Phật dạy, một người có thể kiếm bao nhiêu tiền, đó là phần thưởng đức hạnh tương ứng. Nhưng sở hữu một khối tài sản lớn mà không có đủ đức hạnh, đó chưa hẳn là điều tốt", ông nói.
Bảo Lâm