Nghe mẹ tôi kể lại, hồi 8 tháng tuổi tôi đã bị bệnh nặng lắm, cơ thể tôi bé tý tẹo, lại suy dinh dưỡng nặng nên tiếng khóc của tôi the thé như tiếng mèo. Gia đình chạy chữa từ bệnh viện huyện cho đến bệnh viện tỉnh, tốn kém lắm những cũng không chẩn đoán được bệnh gì.
Lúc đó, có người giới thiệu đưa tôi lên Bệnh Viện Thụy Điển chữa trị vì các bác sĩ ở đây giỏi lắm. Ông bà nội nói cho tôi đi bằng ca nô lên viện vì sẽ đỡ sóc hơn đi ô tô hay đi xe máy. Ông bà bế tôi lên đến viện cũng kịp lúc bác sĩ bảo chậm một chút nữa thôi là tôi tắt thở. Sau khi chụp chiếu xong bác sĩ bảo tôi bị bệnh tràn dịch màng phổi cấp, phải hút hết mủ trong phổi ra. Bác sĩ đưa một ống nhựa từ cạnh sườn tôi luồn đến phổi, sau 8h hút được hơn 500cc mủ. Bà nội sợ lắm nhưng mừng vì tôi đã khóc to không còn khè khè nữa. Mất một tuần, ông bà chăm sóc tôi trong bệnh viện và bà chỉ tranh thủ chợp mắt khi tôi ngủ say.
Còn khoảng 1 tuần nữa là Tết Âm lịch, bệnh tình tôi đã giảm rất nhiều, tôi đã ăn uống tốt và rất hồng hào nên bác sĩ cho về và hẹn nửa tháng sau lên khám lại. Lúc bà nội và mẹ thu dọn đồ đạc thì bác sĩ tới bắt gặp. Bác sĩ bảo" Ôi giời ơi, con còn đỏ hỏn thế này mà mẹ đã bụng vượt mặt thế kia? Đẻ mau thế thì chăm sóc thế nào được". Mẹ im lặng không dám nói gì. Bà lại đỡ lời:"Nhà cháu bị vỡ kế hoạch, bác sĩ đừng trách mắng cháu, tôi nghiệp". Mẹ nhìn bà nước mắt tuôn rơi. Bác sĩ cũng ái ngại thay cho hoàn cảnh nên dặn dò thêm vài câu để mẹ con bà cháu tôi xuất viện.
Tôi lớn lên cùng gánh hàng của bà, cùng ông đan chổi. Mẹ sinh liền thêm 2 em trai nữa nên không có thời gian chăm sóc tôi. Gánh hàng của bà là những bó rau muống. Tôi cùng bà ra ruộng rau muống hái để hôm sau mang ra chợ bán. Chẳng giúp được bà nhiều, tôi chỉ có nhiệm vụ xếp từng bó rau vào quang gánh. Cuộc sống nông thôn tuy khốn khó nhưng lúc nào ông bà cũng yêu thương và chăm sóc tôi chu toàn nhất.
Gắn bó cùng ông bà đến năm tôi 16 tuổi, tôi xa nhà đi học trên thành phố. Chỉ những dịp lễ Tết mới trở về thăm ông bà. Mỗi lần về tôi lại cảm nhận được tình cảm sâu sắc của ông bà. Ngày ngày tôi trưởng thành nhưng lưng bà lại còng hơn, tóc ông bạc hơn và miệng ông bà lại càng móm mém.
Ngày tôi lấy chồng có lẽ ông bà là người vui sướng hơn cả. Bà yên tâm vì nay tôi đã có gia đình riêng. Rồi tôi sinh lần lượt 2 đứa bà khóc vì vui sướng, ông lật đạt đóng cũi và xe tập đi cho chắt. Tôi nghẹn ngào không nói lên lời.
Cứ mỗi dịp Tết đến, lòng tôi lại bồi hồi khi nghĩ đến ông bà, vết sẹo từ thuở xưa vẫn in đậm trên người tôi, mỗi khi nhìn thấy nó là tôi nhớ đến chính ông bà đã mang sự sống lại cho tôi. Cho đến tận năm ngoái gia đình chúng tôi mới có dịp quây quần. Đây là lần đầu tiên gia đình chúng tôi mới bên nhau đông đủ thế ngày vào dịp đại thọ ông bà 90 tuổi. Niềm hạnh phúc lan tỏa trên 2 gương mặt đã đầy nếp nhăn khi thấy các con cháu trưởng thành khôn lớn. Tôi ước mong ông bà có thật nhiều sức khỏe để chúng tôi có thể chăm sóc phụng dưỡng báo đáp công ơn của ông bà.
Tôi mong ước rằng, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp xuân về chúng tôi lại có thể sum họp quanh ông bà đông đủ, chỉ có khác một điều rằng mỗi thành viên trong gia đình chúng tôi đều trưởng thành hơn và sẽ chào đón thêm những thành viên mới. Đó là điều ông bà hằng mong ước.
Nguyễn Thị Yến
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |