Họ được gọi là Nomads - những người sống trên ôtô lang bạt khắp nơi, và theo tác giả - nhà báo Jessica Bruder thì đây là một "bộ lạc du mục mới, những người du dân, tập hợp những ai không nhà (houseless) chứ không phải vô gia cư (homeless)".
Trong ba năm, Bruder đã bám theo những du dân để ghi chép lại cuộc sống của họ. Cũng như hàng xe nối dài trong cuộc Đại suy thoái thường thấy ở các tác phẩm của John Steinbeck, những con người này cũng có số phận tương đối khác biệt.
Chọn Linda May như người dẫn đường, tác giả khái quát nên câu chuyện đời họ, từ đó cho thấy rất nhiều khía cạnh hình thành nên "bộ tộc" này. Như cuộc khám phá về xã hội học, dân tộc học và nhân khẩu học..., Cõi người dưng vẽ nên chân dung những cá thể vốn bị bỏ qua và chưa nhận được sự quan tâm đủ.
Đó là tình cảnh phải ở chật chội trong căn nhà nhỏ của một gia đình có nhiều thế hệ, những món nợ đang cần trả, khoản trợ cấp không đủ sống... Từ cảnh ngộ đó, họ từ bỏ ngôi nhà với món tiền thuê đắt đỏ, dọn vào các xe van hoặc RV "rày đây mai đó".
Để trả chi phí phát sinh, họ thường làm các công việc thời vụ. Đó là quản lý những khu cắm trại ở trên núi cao, nơi họ được giao trách nhiệm quản lý, đáp ứng cũng như bám sát nhu cầu của khách. Và khi hết mùa du lịch, họ tiếp tục đi thu hoạch củ cải đường, canh kho pháo hoa dịp Quốc khánh hay vào làm một thời gian ngắn trong kho của Amazon dịp cuối năm - giai đoạn doanh nghiệp này bận rộn nhất.
"Cuộc phiêu lưu" tưởng chừng lý thú, song thực tại không như mơ. Chờ đón họ là những ca làm đến hơn 10 tiếng, là việc đi bộ 20 cây số trong kho của Amazon... mà tính mạng luôn gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, trong khi làm việc cũng như di chuyển. Chưa kể việc bị bóc lột sức lao động và không một ai đứng về phía họ.
Chiếm phần lớn trong những du dân là người già lớn tuổi, khoảng độ 60 với sức khỏe yếu. Bruder cho độc giả thấy tình thế mong manh của những người này. Xuất phát từ sự xung đột giữa tiền thuê nhà và lương cố định, quá trình hồi phục sau khi bong bóng kinh tế tan thành bọt biển đã không tạo ra các việc làm mới... Những điều đó đã đẩy họ vào hành trình này.
Tuy vậy họ luôn giữ vững một lòng lạc quan hướng về tương lai. Như Bruder khẳng định, "phụ phẩm" của việc trở thành du dân đó là có thêm hy vọng cũng như thấu hiểu. Vào mỗi mùa đông, họ sẽ cùng nhau đến vùng sa mạc để gặp gỡ, kết giao trong suốt hai tuần của kỳ "Đại hội lãng du trên bánh cao su", từ đó học hỏi cũng như lên kế hoạch mới cho cuộc đời mình.
Trong nhóm nhỏ mà họ kết giao, những câu chuyện đời sẽ được kể lại, cùng đó là những "mẹo" họ nói với nhau về cách trốn tránh cảnh sát, những người nào tốt hay công việc nào "nhàn" hơn... Trên chuyến di trú từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau ấy, họ sẽ khẳng định lại câu châm ngôn "Chúng ta chẳng cần phải sống nơi người ta được cho là phải sống, đơn giản vậy thôi".
Cùng nhau, họ chia sẻ những câu chuyện chung đầy cảm hứng, như việc tự tân trang lại chiếc xe hơi, sáng tác bài hát, nhận nuôi thú cưng cũng như thực hành lối sống cân bằng hướng đến khỏe mạnh. Dường như chính việc "trên đường" đã giúp cho họ đến gần tự nhiên, từ đó quá trình chữa lành cũng dần bắt đầu.
Tuy vậy câu hỏi lớn nhất rằng họ sẽ đi về đâu trước một tương lai có phần trôi nổi, bất định. Ở phần cuối sách, Bruder dẫn người đọc vào một cuộc sống khác của Linda May, khi bà từ bỏ cuộc sống xê dịch và dự định chuyển đến sống ở một vùng đất cách xa nội ô với giá rẻ. Liệu đây sẽ tương lai của những du dân, khi họ cùng sống và cùng tạo ra một thị trấn mới, nơi họ thấu hiểu, có chung mức sống và hòa vào nhau?
Nhưng khi đó, liệu những lời ghét bỏ hay phản ứng không mấy tốt đẹp ném về phía họ có được cải thiện? Sau cùng, không có lời hồi đáp nào thật cụ thể. Bởi lẽ cuộc đời mà họ đang sống là cách thoát ly khỏi một hệ thống họ không còn tin.
Nhưng dù sao, đời du mục là thứ hợp lý với họ nhất ở hiện tại và là kết quả của một nguyên nhân bất khả vãn hồi. Ở đó người ta được thấy mình và thấy mọi người, để như câu hát của huyền thoại âm nhạc Leonard Cohen: "Phàm là tồn sinh đương nhiên nứt rạn/ Ánh sáng ấy vậy mà tiến bước vào".
Jessica Bruder là nhà báo Mỹ, cây bút kỳ cựu của nhiều tờ như The Oregonian, WIRED, Harper’s Magazine, New York Times và Washington Post. Cuốn Cõi người dưng phát hành năm 2017, giành giải Ryszard Kapuściński ở hạng mục Literary Reportage dành cho các phóng sự văn chương, giải Phát hiện mới do nhà sách lớn Barnes & Noble trao tặng và hiện được dịch ra 25 ngôn ngữ.
Tờ The New York Times gọi Bruder là "một nhà quan sát nhạy bén và giàu lòng trắc ẩn". Trong khi đó tờ The Nation cho rằng Cõi người dưng đã đưa ra một cái nhìn "nhân đạo tuyệt vời nhưng cũng khiến ta lo lắng sâu sắc cho một tương lai bất định".
Năm 2021, bộ phim Nomadland do Chloé Zhao đạo diễn với sự tham gia của minh tinh Frances McDormand và những nhân vật có thật trong sách, đã thắng sáu hạng mục quan trọng ở Oscar - Phim hay nhất và các giải thưởng cho Đạo diễn, Kịch bản chuyển thể, Nữ chính, Quay phim và Biên tập.
Anh Đoàn