Chị Ngọc Trân, 35 tuổi ở Phú Nhuận (TP HCM) đang có lượng người hâm mộ lớn trên Facebook với những món ăn bắt mắt, cùng hướng dẫn tỉ mỉ. Mỗi món ăn chị đăng lên có hàng nghìn lượt thích. Thậm chí, nhờ công thức nấu ăn của chị mà một người bạn đã mở hàng kinh doanh.
Thế nhưng thời mới kết hôn, chị Trân và chồng thường xuyên đi ăn ngoài, hoặc "ăn chực". Hồi ấy, đến cả cắm cơm điện chị cũng không biết. "Ở nhà ba tôi rất giỏi bếp núc nên tôi chẳng bao giờ phải vào bếp cả", chị chia sẻ.
Ăn hàng nhiều "viêm màng túi", còn không đảm bảo sức khoẻ, nên thi thoảng chị Ngọc Trân thử trổ tài. Qua sự chỉ đạo từ xa của bố, chị cũng làm món này món kia bài bản. Nhưng có bữa chị kho cá ngừ mà tanh tới mức phải mở toang hết cửa, bật quạt để không khí về bình thường, nồi cá thì tanh không thể ăn nổi. Lại có lần chị rán cá nát bét như chà bông, vợ chồng ngán ngẩm nhìn nhau, đành phải đi ăn ngoài.
Với món thịt rang, lần nào lần ấy cháy đen, chẳng ra vị gì. Chị vẫn nhớ mãi bữa cơm ngày ấy, đang ăn thì có một anh bạn của chồng đến chơi. "Anh ấy thấy món thịt kho đen và khô quắt, liền nói: 'Ai nấu nhìn ghê quá, đen thui ai dám ăn'. Chồng tôi nói đỡ 'Cô ấy mới tập nấu, thế là tốt lắm rồi', nhưng tôi thì rất 'quê'", chị kể.
Anh Minh Diệp, chồng chị Trân cho biết, đúng là thời điểm đó vợ anh đến cả cắm cơm, nấu canh rau còn không biết. Về khoản này, anh cũng còn mù tịt hơn cả vợ. "Cô ấy không biết nấu nhưng được cái chăm làm. Nhìn cảnh vợ bày biện nấu món nọ, món kia, tôi tin sẽ có ngày vợ nấu ngon", anh nói.
Đó là động lực của chị Ngọc Trân "phục thù". Người đầu tiên chị tìm đến học hỏi dĩ nhiên là ba mình. Chị học được các kinh nghiệm ướp, nêm nếm từ ông. Đi tiệc, chị không ngồi im ở bàn mà hay chui xuống bếp phụ giúp, xem cách người lớn nấu cỗ. Từ họ mà chị học được rất nhiều các bí quyết.
Nhưng để thành một đầu bếp giỏi như hiện nay, chị đã trải qua vô số lần thất bại. Đó là những lần thành phẩm ra không thành công, phải vứt vào sọt rác. Việc bỏng, đứt tay cũng rất nhiều.
"Những lần mình chiên cá, đặc biệt món da heo chiên giòn bị mỡ bắn vào người thì kinh khủng luôn", chị kể.
Video vài món ăn ngon chị Ngọc Trân làm:
Trong các món đã làm, bà mẹ hai con này thấy khó khăn nhất là khi làm lạp xưởng tươi. Dù trước khi làm chị đã tìm hiểu nhiều công thức, nhưng đã phải đổ đi bốn lần mới hoàn hảo.
"Đợt ấy tôi muốn nản luôn vì khâu làm ruột để nhồi rất cực, mà lần thì chua, lần thì rời rạc, lần thì bị thiếu vị không ngon. Chồng tôi bảo 'Sao em phải khổ thế' và không cho tôi làm nữa. Nhưng chưa làm được là tôi không cam lòng, chờ đêm chồng con đi ngủ tôi lại xuống bếp lục đục làm. Và đến lần thứ năm, món lạp xưởng tươi đã thành công mỹ mãn", chị cười kể.
Món đặc sản này giờ trở thành quà quý dùng để biếu bạn bè, người thân vào những dịp lễ, Tết. Như năm 2016 chị làm tới 20 kg để biếu. Người bạn của chị đã dùng công thức này để kinh doanh.
Món bánh Trung thu cũng trải qua nhiều lần cứng ngắc, đen thui, khi thì nứt bể mới thành được chiếc bánh chuẩn ai ăn cũng khen.
Khi nấu ăn đã trở thành niềm đam mê, chị Trân hình thành khả năng bắt chước. Cứ mỗi lần đi ăn hàng có món ngon, chị thường cảm nhận hương vị, rồi về nấu lại. "Một đợt cả nhà đi ăn món gà mắm nhĩ. Món đó thì ngon lắm. Tôi cảm nhận hương vị, ngày hôm nấu lại được ba mẹ, chồng con xác định giống tới 98%. Tôi còn đem món đó tới cho anh họ, đầu bếp ở nhà hàng lớn, cũng được khen nức nở", chị hạnh phúc kể.
Từ đó, nấu ăn đã trở thành niềm đam mê của chị Trân. Chị luôn đảm nhận chính không chỉ bữa cơm gia đình, mà còn nấu tiệc. Đến nay, sau 13 năm kết hôn, chị Trân hay được mọi người khen đảm đang, siêu đầu bếp, cao thủ nấu nướng...
Cách đây vài hôm, ông xã chị có khoe trên tường Facebook: "Ghê thật Lê Thị Ngọc Trân! Chỉ trong 2 ngày có món 'nấm rơm nghìn like' và 'nửa nghìn chia sẻ'.
Món này được vợ làm cho ăn hoài đâm ghiền luôn, không những vậy anh hai Tin cũng mê luôn dù mỗi lần ăn phải rót ly nước kế bên vừa ăn vừa uống (cu cậu không ăn cay được).
Đi đâu ăn gì, bụng no thì khi về nhà có món này nhất định cha con tui phải ăn cơm ngay. Đúng như vợ nói nấm cắn còn tươm nước mà vẫn thấm ngon".
Anh Diệp cảm thấy mình may mắn khi có vợ nấu ăn giỏi, chăm con khéo. Để khuyến khích vợ, cách đây 5 năm, anh quyết định cải tạo trần nhà để trồng rau, củ.
"Tôi ưu tiên trồng rau gia vị, như lá hương thảo, lá cà ri, lá cẩm, rau các loại, củ quả.... trước là góp phần cho khả năng sáng tạo nấu nướng của vợ, sau là cung cấp rau quả sạch cho gia đình", anh Diệp nói.
Phong cách nấu ăn của chị Ngọc Trân là kết hợp nhiều vị với nhau, như thường cho nước ép dứa, táo, mayonnaise vào bò, gà. Trong nhà chị cũng trồng nhiều cây gia vị, như cà ri, lá rosemary để kết hợp vào các món thịt xay, bò hay pizza tạo ra hương vị thơm đặc trưng.
Một số qui tắc khi nêm nếm chị Ngọc Trân chia sẻ:
- Không ướp thịt với mù tạt.
- Không ướp nước mắm với món hầm.
- Thịt lợn, gà ướp trên 30 phút, thịt bò 10 phút, thịt xay hay thái mỏng ướp 5 phút, cá ướp 20 phút.
- Nước ép lê, táo, dứa giúp thịt mềm và thơm hơn.
- Không sử dụng muối iốt để ướp (chỉ sử dụng muối tinh).
- Mật ong kết hợp với các món nướng rất ngon...
Nhờ tài nấu ăn mà bữa cơm gia đình chị Ngọc Trân luôn ấm cúng. Chị thích cảm giác chồng và các con xúm xít trong bếp, hào hứng chờ đón những món ăn mình nấu.
"Do làm kinh doanh tự do nên nhà tôi khá thoải mái thời gian. Lúc tôi nấu cơm thường chồng sẽ giành rửa rau, bát đũa, phụ lặt vặt, tâm sự chuyện vui, chuyện con cái... Cứ cuối ngày là hai vợ chồng lên vườn rau thu hái, tưới tắm, cảm nhận bình yên giữa bộn bề cuộc sống", người phụ nữ hạnh phúc chia sẻ.
Phan Dương