Đều đặn ngày nào V. cũng về nhà sau 10h đêm. Những người nhiều chuyện thì đoán già, đoán non rằng anh chán vợ. Bởi anh là dân làm ăn, nói năng phóng khoáng, còn vợ là dân văn nghệ, nói toàn những chuyện sách vở, trời mây. Thậm chí có người còn đoán chắc anh có bồ nên mới có lối sinh hoạt bất thường như vậy.
Trong khi đó, lý do rất đơn giản là anh "khoái" sống thoải mái. Với anh, gặp bạn bè nói chuyện bù khú sau giờ làm việc mệt mỏi cần thiết như cá cần nước. Thời gian buồn nhất của anh là đêm và ngày mùng 1 Tết. Đó là thời gian nhà hàng, quán nhậu đóng cửa, bạn bè ai cũng phải về nhà để đón giao thừa và ít nhất dành một ngày cho gia đình. Có người nói V. không yêu vợ, anh trả lời: "Có ai cho cả tấn vàng tôi cũng không đổi vợ con của mình. Bởi hai vợ chồng không hợp gu nên ít nói chuyện".
Trong phiên toà xử ly hôn tại Toà án Nhân dân thành phố gần đây, một cặp vợ chồng đã đệ đơn ly hôn vì lý do chồng quá vô tâm. Theo lời người vợ, họ lấy nhau được 13 năm, có hai con. Thế nhưng người chồng lúc nào cũng như chàng độc thân vui tính. Vợ chuyển dạ, anh đi nhậu nên con ra đời lúc nào cũng không hay. Sau đó anh cũng bày tỏ thái độ ăn năn, xin nghỉ vài ngày chăm sóc vợ trong bệnh viện. Nhưng ngồi mãi cũng buồn, anh ra căng tin uống cà phê cho tỉnh ngủ, và đi luôn tới chiều.
Thấy anh trở lại, mặt mũi đỏ gay, chị hỏi thì anh thú nhận: "Thấy cà phê trong căng tin dở, anh bèn ra ngoài. Ai ngờ gặp ông bạn thân, vậy là mải mê nói chuyện vợ con, rồi chén chú chén anh mừng vợ mới sinh, quên cả thời gian". Thậm chí có lần anh được giao nhiệm vụ đi họp phụ huynh cho con, song anh đã vào nhầm lớp. Con học lớp 8A, anh vẫn tưởng con học lớp 7A. Ngồi hết buổi họp anh mới biết mình nhầm.
Theo các chuyên gia tâm lý, để sửa đổi thói quen đã trở thành cố tật của các ông chồng vô tâm đòi hỏi bà vợ phải có đối sách thích hợp và rất kiên nhẫn. Thậm chí đôi khi phải chấp nhận lùi một bước để trong tương lai có thể tiến thêm hai, ba bước. Thí dụ tạm chấp nhận thói quen hay bù khú với bạn bè của chồng. Nhưng sau đó lúc vui vẻ, người vợ đề nghị chồng cố gắng về sớm trước 9h, sau rút xuống 7h. Mỗi tiến bộ dù nhỏ, bà vợ cũng nên kịp thời động viên, khích lệ để chồng cố gắng nhiều hơn.
Ly dị không phải là biện pháp cuối cùng bởi có nhiều ông chồng vô tâm, song vẫn rất thương vợ con. Ví như giám đốc V. là người rất có trách nhiệm với gia đình. Anh không bồ bịch, tiền bạc giao hết cho vợ quản lý. Khi nghe vợ thông báo con đang có vấn đề gì đó là anh lo chu đáo.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, khi có người chồng vô tâm, các bà vợ nên xét trên mọi khía cạnh, xem mặt nào được, mặt nào chưa được của chồng để có biện pháp sửa đổi. Và nếu dùng mọi cách cũng không sửa được chồng thì thay vì buồn khổ, nghĩ đến chuyện ly dị, các bà vợ hãy bình tâm cộng trừ nhân chia xem thử với quyết định đó, mình được hay mất nhiều. Khi nào thấy rõ mất nhiều hơn được thì hãy nghĩ đến giải pháp cuối cùng cũng chưa muộn vì cuộc đời chẳng ai hoàn hảo.
(Theo Phụ Nữ)