Thứ sáu, 22/11/2024
Thứ năm, 19/5/2022, 00:00 (GMT+7)

Cổ vật hơn 1.500 năm trưng bày ở Vũng Tàu

Phù điêu, chuỗi hạt cùng công cụ lao động của người dân Phù Nam, cách đây hơn 1.500 năm trên đất An Giang, lần đầu trưng bày ở thành phố biển.

Sinh viên đại học Bà Rịa - Vũng Tàu xem trưng bày chuyên đề Văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18/5. Kéo dài trong một tháng, triển lãm với 112 hiện vật khai quật từ các di tích ở An Giang - nó thuộc về quốc gia cổ Phù Nam, tồn tại từ thế kỷ I-VII.

Phù điêu mặt người có niên đại từ thế kỷ V - VII.

Theo Bảo tàng tỉnh An Giang, trong hàng vạn di vật thuộc nền văn hóa Óc Eo có hàng trăm hiện vật được chạm khắc hình người. Từ hình người chạm trên lá vàng cho đến các loại phù điêu làm bằng đồng, đá, gỗ, đất nung... Trong đó, phù điêu hình mặt người, mặt hổ thường trang trí trên các ngôi đền, tháp cổ của cư dân đương thời.

Rìu đá có niên đại cách đây 2.000-2.500 năm tìm thấy ở di chỉ gò Cây Tung, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên.

Khai quật cách đây đây 28 năm, các nhà khảo cổ tìm thấy một di chỉ cư trú có tầng văn hóa khá dày và nhiều hiện vật. Trong lòng di tích này ở độ sâu 0,85-1,2 m phát hiện di cốt mộ táng với tổng số là 25 mộ, các mộ được chôn trực tiếp xuống đất, không quan tài trong tư thế nằm ngửa chống chân.

Một phiến đá có lỗ tròn và các họa tiết trang trí tinh xảo.

Năm 1942, di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo đầu tiên được nhà khảo cổ học Pháp Louis Malleret phát hiện tại gò Óc Eo, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn. Hai năm sau, ông cho khai quật và thu được nhiều hiện vật giá trị.

Đến nay, tại An Giang có ba di tích khác thuộc nền văn hóa này được khai quật là gò Cây Tung, Hố thờ An Lợi và Tháp cổ An Lợi.

Hai chuỗi hạt được tìm thấy ở di tích gò Óc Eo, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn.

Cư dân đương thời thích đeo đồ trang sức ở tay, tai, cổ và trên đầu. Các loại trang sức của họ phong phú về chủng loại như khuyên tai, vòng tay, hạt chuỗi, mặt nhẫn... làm từ vàng, đá quý, thủy tinh, đồng.

Con dấu làm bằng gốm của người Phù Nam trưng bày tại triển lãm.

Ảnh tượng thần BRAHMA Giồng Xoài, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2018.

Triển lãm còn có hơn 100 hình ảnh chụp các di tích, hoạt động khai quật, 5 bảo vật quốc gia An Giang đang lưu giữ gồm: tượng thần BRAHMA; bộ Linga – Yoni Đá Nổi; tượng Phật gỗ Giồng Xoài; tượng Phật đá; bộ linga - Yoni Linh Sơn.

Nồi nấu kim loại bằng gốm thế kỷ thứ VI.

Các đồ dùng sinh hoạt như ly cốc, nắp đậy, bình, thố... làm bằng gốm.

Trường Hà