Thứ bảy, 11/1/2025
Thứ tư, 23/11/2016, 16:52 (GMT+7)

Cổ vật Chăm Pa lần đầu xuất hiện sau hơn 71 năm

Từ hôm nay, người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng 30 tác phẩm điêu khắc Chăm Pa độc đáo có niên đại khoảng thế kỷ 7 đến 14 tại Huế.

Ngày 23/11, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mở cửa khu cổ vật Chàm tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế sau 71 năm đóng cửa.

Khu cổ vật Chàm được thành lập tại khuôn viên Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) vào tháng 12/1927, để trưng bày hiện vật tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa do Hội Đô Thành Hiếu Cổ sưu tập. Năm 1928, Khu mở cửa giới thiệu các cổ vật Chăm Pa được sưu tập tại Kinh đô Huế và vùng phụ cận. Đến 1945, Khu cổ vật đóng cửa từ đó đến nay.  

Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đang lưu giữ 86 hiện vật nhưng trong đợt mở cửa lần này, Bảo tàng chỉ giới thiệu 30 hiện vật với 3 nhóm Trà Kiệu, Tháp Mẫm và Bình - Trị - Thiên, chủ yếu chế tác từ sa thạch.

Tượng Đạo sĩ Bà la môn có niên đại thế kỷ 14-15 trong tư thế chắp tay cầu nguyện và ban phước được sưu tập tại núi Linh Thái (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). 

Hình tượng voi có niên đại từ thế kỷ 10-11. Theo tín ngưỡng của người Chăm Pa xưa, voi tượng trưng cho sự thông thái, minh triết và quyền lực của hoàng gia, đồng thời cũng là vật cưỡi của nhiều vị thần trong Bà la môn giáo. Trên ngôi đền Chăm Pa, hình tượng voi được trang trí ở mái tháp tượng trưng cho ngọn núi thiêng Meru, nơi an trú của 33 vị thần chính trong tín ngưỡng Chăm Pa.

Hình tượng thần Angni (thần lửa) có niên đại thế kỷ 9-10 được điêu khắc tinh xảo trên sa thạch cứng, mịn được tìm thấy tại khu vực Bình Trị Thiên. 

Thần Angni thường được trang trí đặt ở hướng Đông - Nam của các ngôi đền. Theo tín ngưỡng của người Chăm Pa xưa, thần Angni canh giữ ngọn lửa thiêng để hành trì các nghi lễ hướng đến sự giải thoát.

Hình tượng đầu sư tử có niên đại thế kỷ 10. Sư tử là hiện thân của thần Visnu - đấng bảo trợ và tượng trưng cho uy quyền của nhà vua. Hình tượng sư tử thường trang trí trên ngôi đền Chăm Pa giữ chức năng bảo vệ tài sản cho hoàng gia.

Đầu tượng thiên nhân thế kỷ 9-10, khuôn mặt thanh tịnh, thường được trang trí trên đền Chăm Pa, được sưu tập tại Trà Kiệu (Quảng Nam).

Hình tượng con khỉ thế kỷ 7-8. Khỉ là linh vật được yêu thích nhất trong tín ngưỡng của người Chăm Pa, được trang trí nhiều ở các ngôi đền nhằm ca ngợi trí thông minh, lòng dũng cảm.

Hình tượng thần Siva với khuôn mặt khắc khổ, râu tóc dài, tay cầm tràng hạt được cho là vào thế kỷ 14-15.

Pho tượng Nam thần Bà la môn được tìm thấy ở Hương Trà (Thừa Thiên Huế). 

Hình tượng đầu thần Deva có niên đại thế kỷ 10.

Tượng Kinnara thế kỷ 12-13, một tạo vật nửa người nửa chim mang thân nam sống giữa cõi trời, được tìm thấy tại Tháp Mẫn (An Nhơn, Bình Định). Kinnara tạo thành một đôi với Kinnari nửa người ngửa chim mang thân nữ. Kinnara và Kinnari là đôi uyên ương có tuyệt kỹ về ca nhạc.

Theo nghệ thuật Chăm Pa, Kinnara - Kinnari xuất hiện trên phần mái của ngôi đền để diễn tấu lễ nhạc, xưng tụng cảnh giới trang nghiêm của chư thần.

Hình tượng Makara tượng trưng cho nước ở thế kỷ 10.

Khu cổ vật Chăm Pa sẽ mở cửa từ 7h đến 17h hàng ngày để phục vụ khách tham quan.

Võ Thạnh