Chủ nhật, 15/12/2024
Thứ năm, 29/8/2024, 12:00 (GMT+7)

Cổ vật các nước trưng bày ở TP HCM

Bảo tàng lịch sử TP HCM triển lãm 150 cổ vật của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan, niên đại trên 1.000 năm.

Triển lãm mang chủ đề Cổ đổng kỳ quan - Nơi hội tụ của các nền văn hóa nhằm kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Bảo tàng lịch sử TP HCM. Theo giới thiệu của bảo tàng, các cổ vật do bảo tàng sưu tập trong nhiều năm qua. Phần lớn hiện vật được bảo quản trong kho, lần đầu giới thiệu đến công chúng.

Các hiện vật phong phú chủng loại gồm đồ gốm, tượng thờ, tranh ảnh, trang sức, vật dụng sinh hoạt. Cổ vật được bảo tàng được sắp xếp thành bốn nhóm chủ đề chính: nghệ thuật Ấn Độ ở Đông Nam Á, mỹ thuật Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Các loại đồ gốm Việt như bình, chóe, thống kích cỡ lớn, có từ thế kỷ 19. Các hiện vật này được sử dụng trong cung đình triều Nguyễn, trưng bày ở khu vực trung tâm triển lãm.

Khu trưng bày cổ vật Việt Nam giới thiệu mỹ thuật trên đồ đồng được làm dưới triều vua Minh Mạng (1820-1841) với các loại đồ thờ cúng, gia dụng, tượng Phật.

Nổi bật là bức tượng Phật Bồ Tát Chuẩn Đề cao 30 cm, tỷ lệ cân đối, cho thấy kỹ thuật đúc đồng tinh tế ở thế kỷ 19-20.

Tượng được thể hiện trong tư thế ngồi kiết già (Vajrasana, tư thế hoa sen) trên tòa sen với 18 cánh tay cầm các pháp bảo. Khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu, thân trên khoác áo choàng không tay với nhiều lớp cầu kỳ.

18 cánh tay đối xứng nhau, đều đeo vòng và cầm những pháp khí như ngọn lửa, chuỗi tràng hạt, búa, đao, kiếm, cuốn kinh Bát nhã, bình nước cam lồ.

Pho tượng Bồ Tát Chuẩn Đề được công ty Thủ công mỹ nghệ tổng hợp xuất khẩu chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử TP HCM ngày 30/11/1985.

Bức tượng Phật A Di Đà bằng đồng, bên cạnh là hai chân đèn theo nghệ thuật pháp lam và bức tranh thủy mặc của Trung Quốc trong thế kỷ 19.

Mỹ thuật Trung Quốc tại triển lãm còn thể hiện trên chất liệu ngà qua các bức tượng thần tiên, ấn triện, thẻ ngà, ống cắm bút, trấn phong được tạo hình và chạm khắc tinh xảo.

Các cổ vật đồ gốm của Nhật Bản thuộc dòng gốm mỹ thuật Satsuma, phổ biến vào thế kỷ 17 ở xứ sở hoa anh đào.

Satsuma là dòng gốm sứ được ra đời vào thời đại Edo (1615-1866), đặc trưng với chất gốm màu trắng ngà, lớp men rạn dày và đều, được trang trí chi tiết với phong cách vẽ vàng dày đặc trưng.

Từ trái sang là các tranh màu nước của Nhật Bản mang chủ đề Phượng hoàng đổ (thế kỷ 18), Văn xuân hiểu tình (1916) và Khổng tước đồ (đầu thế kỷ 20).

Khu trưng bày hiện vật của các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Xen kẽ là các cổ vật chịu ảnh hưởng của Ấn Độ thuộc nền văn hóa Óc Eo, Champa của Việt Nam.

Bộ tranh khắc gỗ miêu tả sử thi Ramayana xuất xứ từ Campuchia trong thế kỷ 19.

Ra đời cách đây khoảng 2.500 năm Ramayana là bộ sử thi bằng tiếng Phạn nổi tiếng của Ấn Độ cổ đại, nhà thơ Valmiki được cho là tác giả. Sử thi Ramayana có những tác động sâu sắc đến nền văn hóa và nghệ thuật Ấn Độ cũng như các nước Đông Nam Á.

Tượng Phật của Thái Lan, có niên đại thế kỷ 19.

Các hiện vật trang sức và đồ đồng từ thế kỷ thứ 8, thuộc nền văn hóa Champa.

Champa là quốc gia cổ của người Chăm, tồn tại ở miền Trung Việt Nam, hưng thịnh nhất vào khoảng thế kỷ 9, 10 rồi suy yếu dần. Quốc gia này chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Ấn Độ giáo với nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, nổi bật là các tháp Chăm vẫn tồn tại đến ngày nay.

Tượng thần Ganesha (thần đầu voi) bằng đồng, cao 18 cm, thuộc nền văn hóa Khmer, thế kỷ 13-14. Hiện vật được Hải quan TP HCM chuyển giao cho bảo tàng năm 1988.

Ganesha là một vị thần trong Ấn Độ giáo với đầu voi mình người, là con của thần Shiva và nữ thần Parvati. Thần là tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công.

Ở Đông Nam Á, tại các vương quốc chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ như Champa, Phù Nam, Campuchia, thần Ganesha được thờ phổ biến. Tượng thường được làm chủ yếu bằng đá, hiếm khi có chất liệu kim loại.

Triển lãm diễn ra tới ngày 31/10, giá vé vào tham quan bảo tàng 30.000 đồng một người.

Quỳnh Trần