"Tôi đã ngỡ rằng trong một xã hội hiện đại và giàu có như Thụy Điển, chúng ta phải có khả năng bảo vệ người già", Anders Tegnell, nhà dịch tễ học thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển, than thở về số ca tử vong cao do Covid-19 ở nước này trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước.
Thụy Điển, quốc gia có 10,3 triệu dân, đã ghi nhận hơn 35.000 người nhiễm nCoV, trong đó hơn 4.200 người đã tử vong. Hơn 90% người Thụy Điển chết vì Covid-19 là người già trên 70 tuổi, 3/4 trong số đó sống trong các viện dưỡng lão hoặc được chăm sóc tại nhà.
"Số người chết tại Thụy Điển không nên giống như ở Trung Quốc hay thậm chí là Italy, nơi họ có ít nguồn lực hơn cho những vấn đề như thế này", Tegnell nói thêm.
Phát biểu của nhà dịch tễ học Thụy Điển đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Italy. Đại sứ Italy tại Thụy Điển Mario Cospito hôm qua đăng một tuyên bố trên website, dẫn các số liệu để chứng minh hệ thống chăm sóc y tế của Italy vượt trội so với Thụy Điển.
"Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hệ thống chăm sóc sức khỏe của Italy đứng thứ hai trên thế giới về hiệu quả và chất lượng phục vụ, sau Pháp. Thụy Điển được xếp thứ 23 trong cùng bảng này", ông viết. "Tuổi thọ trung bình ở Italy là 83,4, cao nhất thế giới, sau Tây Ban Nha. Còn ở Thụy Điển, con số này là 82,2. Italy có trung bình 3,4 giường bệnh/1.000 dân, ở Thụy Điển, con số này là 2,2".
Đại sứ Cospito cho rằng các quốc gia nên thể hiện sự đoàn kết với Italy trong ứng phó dịch bệnh hơn là chỉ trích nước này, bởi đây là lần đầu tiên châu Âu bị đại dịch tấn công và không có thời gian để chuẩn bị ứng phó đầy đủ.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 kể từ khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến gần 5,8 triệu người nhiễm, hơn 357.000 người chết.
Italy, quốc gia 60 triệu dân, ghi nhận 33.072 ca tử vong trong tổng số hơn 231.000 ca nhiễm, là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới. Thụy Điển có số ca nhiễm và chết thấp hơn Italy, nhưng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nước này thuộc diện hàng đầu thế giới, làm dấy lên những chỉ trích vì chiến lược chống dịch dựa vào "miễn dịch cộng đồng" do Tegnell khởi xướng.
Mai Lâm (Theo AFP)