Cuối giờ học, cô Thảo, giáo viên thể dục, cùng học sinh của câu lạc bộ Mì tôm xanh tập trung tại phòng thể chất để cắt, cuộn vỏ mì, đan thành đồ gia dụng. Cả cô và trò đều đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đơn hàng đang "nợ". Toàn bộ tiền thu được từ việc bán các sản phẩm sẽ được ủng hộ quỹ chống Covid-19 và các hoàn cảnh khó khăn thông qua chương trình Cặp lá yêu thương.
Đầu tháng 2, cô Thảo hưởng ứng sự kiện "Tuần lễ bảo vệ môi trường" do Vinschool khởi động, nghiên cứu ý tưởng tái chế. Sau khi cân nhắc một số vật liệu như chai nhựa, nylon, cô giáo chọn vỏ mì tôm vì độ mềm, độ bền cao, màu sắc bắt mắt để làm đồ tái chế. Mì tôm là thực phẩm ứng dụng cao, được sử dụng thường xuyên trong đời sống nên dễ thu gom vỏ với số lượng lớn.
Sau khi chọn vật liệu, cô giáo kêu gọi học sinh tham gia và nhận được hưởng ứng từ đông đảo học trò trong và ngoài trường. Nguyễn Phương Linh, lớp 10 trường Vinschool, là học sinh đầu tiên đăng ký. Sau đó, Phạm Gia Tùng, lớp 11 trường THPT Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ) cũng liên lạc với cô Thảo.
Để có nguyên liệu làm sản phẩm, Linh và Tùng liên hệ với khu dân cư xin lại vỏ mì tôm, phở, cháo ăn liền. Lúc đầu, mọi người tưởng học sinh đùa, chỉ là trò nghịch ngợm của trẻ con nên không để tâm. Sau đó, Linh phải đến một số gia đình để giải thích về dự án của mình. Bố mẹ em cũng lấy làm lạ khi Linh mang vỏ mì về nhà, chất thành một góc lớn trong bếp nhưng không cấm cản, kiên nhẫn nghe con gái giải thích về dự án.
Để sử dụng được, vỏ mì phải được cắt ngang miệng, không xé dọc. Sau khi phân loại, học sinh làm sạch bằng giấy lau. "Có lần, em nhận rất nhiều vỏ mì do hàng xóm mang đến nhưng phải bỏ đi gần hết do thói quen xé dọc gói mì", Linh kể.
Lúc dự án thành hình và "chập chững" đi những bước đầu tiên, nhiều người nói cô Thảo "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", "chắc rảnh lắm nhỉ?". Cô giáo thừa nhận, nếu bảo không tổn thương là nói dối. Thế nhưng sự quyết tâm, mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, làm thiện nguyện từ việc nhỏ nhất thôi thúc cô theo đuổi dự án.
Khi đủ số lượng vỏ mì, cô trò sẽ cắt đi cạnh cứng, có răng cưa. Phần thừa này được học sinh thu gom lại rồi chuyển cho Công ty tái chế Rác là vàng, tránh xả ra môi trường, sau đó cuộn tròn phần vỏ mì còn lại thành những que dài. Cô Thảo sẽ nhận các que này từ học trò và trực tiếp đan, hoàn thành sản phẩm.
Sau một tháng hoạt động, dự án lớn dần nên cô trò quyết định thành lập câu lạc bộ, đặt tên Mì tôm xanh với 20 thành viên cùng hàng chục phụ huynh, học sinh trên cả nước đăng ký làm cộng tác viên cho dự án. Các cộng tác viên sẽ thu gom vỏ mì, làm sạch, sau đó tập kết tại một địa điểm cụ thể rồi đóng gói rồi gửi ra Hà Nội. Nếu có khả năng tự hoàn thành theo video hướng dẫn được cô Thảo, các cộng tác viên có thể tự làm sản phẩm.
Danh sách sản phẩm làm từ vỏ mì của cô trò CLB Mì tôm xanh khá đa dạng, gồm túi, hộp bút, giỏ đựng, miếng lót ly, lọ hoa. Riêng túi xách, ngoài vỏ mì còn cần thêm vải, khóa kéo. Cô Thảo và học sinh dùng dây giày, chủ động liên lạc đến các cơ sở may mặc, xin lại những phần vải thừa. "Tôi không muốn lấy rác về lại trở thành rác, đồng thời thực hiện tiêu chí tiết kiệm nên tận dụng tối đa những thứ có thể tái chế", cô Thảo nói.
Mỗi sản phẩm giá 100.000-300.000 đồng tùy loại. Lợi nhuận thu về được cô Thảo chia đều hai quỹ, một để ủng hộ chống Covid-19, còn lại quyên góp cho chương trình Cặp lá yêu thương của VTV nhằm chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh không may mắn. Nhiều khi, cô trò còn được người mua ủng hộ nhiều hơn giá bán của sản phẩm.
Phương Linh và Gia Tùng ấn tượng với một khách hàng ở Tây Ninh, đặt giỏ đựng đồ cho em bé sắp sinh. Khi sản phẩm đầu tiên chưa hoàn thành, người mẹ tiếp tục chuyển khoản và đặt hàng sản phẩm tiếp theo. "Ngoài ra, còn một cô giáo ở Bắc Ninh đặt hộp phấn, cũng nhiệt tình ủng hộ câu lạc bộ của chúng em", Tùng nói.
Để hoàn thiện một sản phẩm, cô Thảo mất tối thiểu 2 tiếng để đan, không kể thời gian làm sạch và cuộn vỏ mì. Với những túi xách, giỏ đựng đồ phức tạp, cô cần đến 10-12 tiếng. Vì chỉ tranh thủ gặp nhau sau giờ học hoặc dành 30-60 phút buổi tối để làm, cô trò "nợ chồng chất" các đơn hàng. Sau nửa năm hoạt động, câu lạc bộ Mì tôm xanh đã bán được khoảng 30 sản phẩm, ủng hộ khoảng 7-9 triệu cho quỹ chống Covid-19 và chương trình Cặp lá yêu thương.
Đầu tháng 9, nhóm giành giải ba cuộc thi Sáng kiến thanh niên "Trả xanh cho biển" do Quỹ ASEAN tổ chức. Ban giám khảo đánh giá, dự án thực hiện được mục tiêu kép khi vừa bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra giá trị vật chất để giúp đỡ người khó khăn. Số tiền thưởng được cô Thảo và học trò dùng để liên hoan, xây dựng quỹ, chi trả cho một số dụng cụ văn phòng phẩm. "Giải thưởng là sự ghi nhận nỗ lực của cô trò trong hơn nửa năm, khích lệ chúng tôi tiếp tục phát triển dự án", cô giáo chia sẻ.
Sau cuộc thi, dự án nhận được sự chú ý nhiều hơn, nhờ đó mà số lượng cộng tác viên tăng mạnh, lên đến hơn 130 trên khắp cả nước. Tuy là tín hiệu tích cực trong việc lan tỏa, cô trò gặp khó khăn trong việc quản lý, phân chia công việc cho các cộng tác viên, chủ yếu mới dừng ở việc thu gom vỏ mì.
Để khắc phục, nhóm chọn ra những cộng tác viên chính, là đầu mối giúp điều phối việc nhận vỏ mì và đơn hàng từ cộng tác viên tại các tỉnh. Một cửa hàng lưu niệm tại Đà Lạt và chợ phiên tại TP HCM đồng ý bày bán sản phẩm từ vỏ mì, toàn bộ lợi nhuận thu được vẫn dùng cho mục đích từ thiện.
Thời gian tới, Phương Linh và Gia Tùng dự định xin nhà trường mở thêm một cơ sở của câu lạc bộ Mì tôm xanh tại trường Vinschool (Long Biên) và trường THPT Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm). Cô Thảo cũng lên kế hoạch dạy các em cách hoàn thành trọn vẹn một sản phẩm để tăng năng suất, hiệu quả công việc, trả nốt những đơn hàng đang "nợ".
Cô trò cũng đề nghị trường học hỗ trợ một phần kinh phí để câu lạc bộ tiếp tục hoạt động và nhận được sự ủng hộ từ ban giám hiệu. Trong tương lai xa, cô giáo mong muốn có thể dạy cho người khuyết tật hoặc trẻ em tại các trung tâm bảo trợ cách làm sản phẩm gia dụng từ vỏ mì, giúp họ tự lập, có thêm thu nhập.
"Dù dự án còn non trẻ, tôi vẫn tin tưởng vào những gì mình đang làm. Tôi mong câu lạc bộ Mì tôm xanh sẽ giúp học trò trưởng thành hơn và trở thành một kỷ niệm đáng nhớ trong thời học sinh của các em", cô Thảo nói.
Thanh Hằng