Hơn ba tháng kể từ ngày giành giải nhất cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" tỉnh Thái Nguyên năm 2020 với dự án phát triển Vimigel - gel chữa nhiệt miệng, cô Nông Thị Anh Thư, giảng viên bộ môn Dược liệu, cùng sinh viên của Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên vẫn thường xuyên có mặt ở phòng thí nghiệm. Nhớ lại khoảnh khắc được xướng tên ở giải thưởng, mắt cô ánh lên vẻ tự hào bởi đó là thành quả nghiên cứu suốt hai năm của nhóm.
Cô Thư nhớ lại cách đây khoảng hai năm, khi trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên phát động cuộc thi nghiên cứu khoa học, cô đã nghĩ rất nhiều đến việc bào chế loại thuốc làm từ dược liệu trồng nhiều ở vùng đồi núi Thái Nguyên bởi vừa có thể chữa bệnh, vừa giúp bà con dân tộc làm kinh tế.
Là người dân tộc Nùng, cô thường xuyên được bố mẹ cho sử dụng các cây thuốc, bài thuốc quý của người Nùng để chữa một số bệnh nhẹ, trong đó có cây pác lừ. Pác lừ trong tiếng dân tộc Nùng có nghĩa là cây chữa loét miệng, nhiệt miệng. Theo kinh nghiệm của bà con, chỉ cần vài lần nhai lá pác lừ, nốt nhiệt miệng sẽ biến mất. Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể tìm thấy pác lừ. Cô Thư tự hỏi "Tại sao mình không tạo ra loại thuốc từ cây này"?
Cô chia sẻ ý tưởng và được các giảng viên bộ môn Dược liệu, Bào chế, Kinh tế Dược cùng sinh viên hỗ trợ thực hiện. Sau nhiều cuộc thảo luận, nhóm quyết định sáng chế ra loại gel từ loại cây quý trong dân gian.
Gel nhiệt miệng của nhóm cô Thư được bào chế dưới dạng gel bôi từ cao khô dược liệu, chiết bằng dung môi ethanol 70%, sử dụng phương pháp ngâm đã được loại tạp, phối hợp với các tá dược tăng tính thấm vào tổ chức da niêm mạc nhằm tăng tác dụng chống viêm, giảm đau.
Theo cô Thư, với sản phẩm này, việc giữ được sự ổn định trong cao chiết là khó nhất. Nhóm phải nghiên cứu, thử nghiệm không biết bao nhiêu lần để cho ra công thức, tỷ lệ thành phần, tá dược tối ưu. "Chính vì vậy, chúng tôi phải mất tới hai năm để cho ra sản phẩm đem đi dự thi", cô Thư nói. Sản phẩm gel bôi nhiệt miệng cũng đã được nhóm nghiên cứu thử độc tính trường diễn và bán trường diễn, kết quả không gây độc.
Hiện sản phẩm chữa nhiệt miệng trên thị trường chủ yếu là thuốc tân dược hoặc thuốc nhiều thành phần. Một số loại gel bôi trị nhiệt cũng có nguồn gốc từ thảo dược nhưng thời gian để giảm triệu chứng thường mất cả tuần hoặc giá thành quá cao, tới 280.000 đồng, theo khảo sát của nhóm cô Thư. Trong khi đó, Vimigel từ cây pác lừ là thuốc đơn thành phần, dược liệu lành tính, giá thành rẻ, chỉ khoảng 50.000 đồng. Vì vậy, cô Thư tin tưởng khi hoàn thiện nghiên cứu, xin cấp phép sản xuất và đưa ra thị trường, sản phẩm có thể cạnh tranh.
Thời gian tới, nhóm cô Thư sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm đánh giá, khẳng định sản phẩm an toàn với trẻ nhỏ, đồng thời tạo ra các dạng khác như nước súc miệng hay dạng nhai để người dùng có nhiều lựa chọn.
Cùng tham gia vào quy trình nghiên cứu và bào chế với giảng viên, Nguyễn Mai Quang Dương, sinh viên năm ba ngành Dược, cho hay đã học hỏi được nhiều điều. "Vì mới là sinh viên năm ba, em và các bạn chưa được học quá sâu về bào chế, nghiên cứu dược liệu. Nhưng khi tham gia nghiên cứu, em đã được tiếp cận sớm hơn, từ đó niềm đam mê được nuôi dưỡng. Em cũng học được tính tỉ mỉ, cẩn thận - đức tính rất cần thiết với người làm trong ngành Y Dược", Dương nói.
Cũng nhờ tham gia nghiên cứu, Dương chăm tìm tòi tài liệu hơn. Em cũng bắt đầu nghiên cứu về thị trường dược, tìm hiểu mảng kinh tế dược - những điều em chưa từng làm trước đó. Dương chính là thành viên thiết kế bao bì cho sản phẩm Vimigel. Em đã quan sát các sản phẩm trên thị trường rất nhiều để đưa ra mẫu thiết kế khác biệt nhưng vẫn phù hợp, giúp người mua có thể nhận ra ngay gel này làm từ thảo dược tự nhiên.
Cô Thư đánh giá cao sự hỗ trợ của sinh viên và khẳng định bản thân cũng học hỏi được rất nhiều từ chính các em. "Có những hôm 10-11h tối các em vẫn nhắn tin cho cô để báo có ý tưởng mới. Nhìn lứa sinh viên kiên trì như vậy, tôi tin chắc các em sẽ còn tiến xa trên con đường nghiên cứu khoa học", cô Thư nói.
GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, cho biết nhà trường rất khuyến khích giảng viên và sinh viên cùng kết hợp nghiên cứu khoa học. Đại học Thái Nguyên thành lập những trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đặt tại các trường thành viên với thiết chế cởi mở, tạo không gian, điều kiện để cán bộ và sinh viên tổ chức, thể hiện các ý tưởng. "Nhà trường không đặt ra vấn đề có những ý tưởng sáng tạo mang tính chất viển vông mà cái chính là cho sinh viên được trải nghiệm", ông Quang nói.