Mở đầu phiên chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt vấn đề, hiện nay án tham nhũng, lợi dụng chức vụ ít, trong các bản án xét xử tội phạm tham nhũng, số bị cáo được hưởng án treo, hình phạt nhẹ chiếm tỷ lệ cao, gây hoài nghi có tiêu cực trong xét xử.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, tội phạm tham nhũng thường là công chức nhà nước, có thân nhân tốt, khi xét xử, tòa đều nghiêm trị người cầm đầu nhưng cũng áp dụng chính sách khoan hồng đối với người tự thú, khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo.
Cũng quan tâm đến vấn đề tội phạm về tham nhũng, đại biểu Đào Thị Xuân Lan hỏi: "TAND Tối cao đã xử lý thế nào trong trường hợp phát hiện tòa cho bị cáo hưởng án treo không đúng, nhất là với tội phạm tham nhũng? Ngành Tòa án có kế hoạch sơ kết tổng kết thi hành nghị quyết về việc hưởng án treo?".
Chánh án Bình cho rằng, không loại trừ có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Hiện tượng này cũng được Tòa nhiều lần báo cáo với Quốc hội. Về án treo với nhóm tội phạm tham nhũng, cũng có một số áp dụng không đúng pháp luật, đã được kháng nghị Giám đốc thẩm để xử.
"Tòa án cũng sẽ phối hợp với các ngành trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các hiện tượng tiêu cực. Đối với những vi phạm, Tòa sẽ có biện pháp kỷ luật, điều chuyển công tác, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ cùng với các cơ quan kiểm sát, điều tra giải quyết theo đúng thẩm quyền", ông Bình quả quyết.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình. |
Quan tâm về vấn đề hiện có nhiều đơn khiếu nại giám đốc thẩm, các vụ dân sự phức tạp nhưng đơn giải quyết chỉ 50%, đại biểu Lê Việt Trường và Đỗ Văn Đương đều thắc mắc vì sao có những khiếu nại gay gắt kéo dài nhưng không được trả lời, nhưng cũng có những vụ vừa kháng nghị lại đưa ra xét xử Giám đốc thẩm ngay, đặc biệt các vụ tranh chấp nhà đất có giá trị cao.
Người đứng đầu TAND Tối cao thừa nhận, hiện nay tỷ lệ khiếu nại tăng một phần do chất lượng xét xử, nhưng cũng một phần do quy định của pháp luật quá mở nên nhiều trường hợp cứ khiếu nại.
Theo ông, quy định của pháp luật cho phép việc xem xét một khiếu nại trong thời gian 3 năm. Tuy nhiên thực tế có một số vụ án sau khi bản án có hiệu lực thì có kháng nghị, sau khi tòa án xét xử có nhiều dư luận phản án, có ý kiến của các tổ chức, có đơn đề nghị của đương sự. Sau khi nhận đơn, tòa án nghiên cứu bước đầu, thấy có căn cứ nên giải quyết ngay. Một năm, tòa tối cao chỉ có thể xem xét khoảng 200 vụ, mỗi tháng xử khoảng 20 vụ, nhưng số lượng kháng nghị là gần 400 nên có tình trạng là xét xử không kịp, không đủ thời gian.
Thừa nhận, trong ngành tòa án hiện nay cũng có vụ thẩm phán nhận hối lộ, sửa án, hủy án, chất lượng xét xử chưa cao, gây mất lòng tin trong nhân dân, ông Bình cho biết: "Đây là thực tế đòi hỏi có thời gian mới khắc phục được. Chúng tôi sẽ phấn đấu giảm hàng năm số lượng án mà để quá hạn, con số đáng kể để nâng cao chất lượng xét xử, sẽ cố gắng theo đúng nghị quyết của quốc hội".
Chánh án Tòa tối cao cũng hứa trước chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không để ra tình trạng kết án oan người phạm tội, chấm dứt việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định, khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ ràng, nâng tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị tái thẩm....
"Chúng tôi biểu thị quyết tâm cao nhất để thực hiện, cố gắng làm thế nào để gần đạt được 100%. Nếu không đạt được, chánh án phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội”, ông Bình nói.
Anh Thư