Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sáng 17/11 Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Long và Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam".
|
Gần 500 đại biểu tham dự hội thảo "Đồng chí Võ Văn Kiệt với Cách mạng Việt Nam sáng 17/11 tại TP HCM. Ảnh: H.C.
Hội thảo quy tụ 90 tham luận của cán bộ các tỉnh, thành và bộ ngành cùng sự tham dự của hơn 500 đại biểu từ các tỉnh thành phía Nam và gia đình, người thân cố Thủ tướng. Mục đích góp phần khẳng định những cống hiến to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; làm sáng tỏ thêm con người, cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh đạo gần dân, dám nghĩ, dám làm.
Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải nhận định, cố Thủ tướng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Một người đã trọn đời vì độc lập dân tộc, ấm no hạnh phúc của nhân dân, sự phồn vinh của đất nước, là một chính khách được bạn bè quốc tế quý trọng. Đó là một trong những người lãnh đạo trong thời chiến cũng như thời bình, luôn có mặt nơi 'đầu sóng ngọn gió', 'đứng mũi chịu sào' luôn tìm cái mới, năng động, sáng tạo trong tư duy và hành động nhằm giải nguy trước những khúc quanh lịch sử.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Vạn Tường, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phục vụ dự án xây dựng nhà máy lọc Dung Quất (tháng 7/1995). Ảnh: TTXVN.
Ông Lê Thanh Hải cũng đã nhắc lại thời kỳ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy TP HCM, giai đoạn mà thành phố gặp rất nhiều khó khăn thách thức sau khi vừa được giải phóng nhưng với trọng trách là một "thuyền trưởng", ông Võ Văn Kiệt luôn trăn trở tìm mọi cách đưa con thuyền vượt qua thác ghềnh nguy hiểm. "Đồng chí đã trực tiếp gặp những trí thức định rời Tổ quốc ra đi và khuyên 'anh em cố gắng ở lại trong vòng 3 năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay'", Bí thư Lê Thanh Hải kể.
Cũng theo ông Hải, khi bàn bạc trao đổi với các tỉnh trong vùng, ông Võ Văn Kiệt thấy việc gì có lợi và đã thống nhất ý kiến nhưng chưa có chủ trương của Trung ương thì "ngoéo tay" cùng làm và cùng chịu trách nhiệm. Để giải quyết lương thực cho dân, ông Võ Văn Kiệt đã "xé rào" bằng cách trực tiếp chỉ đạo bà Ba Thi, Giám đốc công ty lương thực mang tiền xuống các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mua lúa với giá gấp 5 lần của nhà nước và nói 'chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù thì tôi đem cơm cho chị'.
Bà Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi với các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: H.C.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã nhìn nhận vai trò to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong việc xây dựng đường lưới điện 500 KV Bắc - Nam. Dù thời điểm đó có rất nhiều ý kiến đánh giá dự án không khả thi, nhưng với tấm nhìn chiến lược và quyết định táo bạo, dám quyết dám chịu vị cố Thủ tướng vẫn tiến hành với lời hứa "nếu đóng điện không thành công thì tôi xin từ chức".
Giáo sư Trần Hiếu Đức (Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia) cho rằng, không phải ai chiến đấu dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, khi qua đời cũng có thể được nhân dân thừa nhận là "người học trò trung thành và xuất sắc của Bác". Riêng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất xứng đáng với sự vinh danh đó vì khi sống ông đã đau nỗi đau của đất nước, đã mơ giấc mơ của người nghèo, nên khi qua đời ông được nhân dân thương tiếc.
"Ông là một hình ảnh cao đẹp về một nhà lãnh đạo đã giành được chiến thắng trước những thử thách khốc liệt, đầy cám dỗ của thời buổi kinh tế thị trường, để mãi mãi là một người cộng sản chân chính trong trái tim của nhân dân", vị Giáo sư đánh giá.
Hữu Nguyên