Cả nhà bốn người chúng tôi sống vỏn vẹn trong căn phòng tý tẹo 14 mét vuông vì một lý do rất "bao cấp", tiết kiệm điện. Nhưng ông bà ngoại tôi là người hết sức yêu cây, đặc biệt là bà. Bà dành gần như cả ngày ở với hoa và cây. Vườn nhà chúng tôi có đủ các loại, từ gốc nhãn cổ thụ, cây lê ki ma trĩu quả, cây roi ngọt lừ nhưng đầy sâu róm đến cây ổi có cành thật dai mà bọn chúng tôi có thể ngủ cả buổi trưa trên đó... Tôi thích nhất là có hai cây khế giống hệt nhau nhưng quả thì một ngọt, một chua.
Một ngày, cây nhãn cổ thụ bị mối ăn ruỗng ruột, có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào nên cả nhà đành phải đồng ý chặt. Hôm ấy là ngày buồn nhất thời thơ trẻ mà tôi còn nhớ. Tôi đã khóc khi mấy ông thợ "kéo cưa lừa xẻ" gốc nhãn yêu quý của mình. Mỗi lúc đi học về, tôi vẫn thấy thiêu thiếu cái rễ cây mà chân tôi hay vấp.
Hà Nội trong ký ức của tôi là thành phố với những hàng sấu hơn trăm năm tuổi của đường Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, hàng Phượng đỏ rực của phố Lý Thường Kiệt... Tôi chắc chắn rằng mỗi người đã từng sống ở Hà Nội xưa cũ ấy đều có những kỷ niệm giống như tôi, được sống dưới bóng cây là niềm hạnh phúc của những cư dân thành thị. Vậy mà những gốc cổ thụ hơn một vòng tay cứ từ từ biến mất khỏi thành phố của chúng ta; hoặc may mắn lắm là được "di dời" - mặc dù tôi không chắc chắn lắm về khả năng sống sót của chúng sau khi được bứng lên khỏi mặt đất, nơi nó đã bám rễ hàng trăm năm.
Kể cả những cây cổ thụ trong rừng, trên đất nước chúng ta, cũng dần hao hụt. Số phận chúng, may mắn lắm có lẽ là được di chuyển về sân vườn của một đại gia nào đó hoặc khu đô thị xanh, "khuyến mại" cho việc bán căn hộ chung cư. Đã rất nhiều những bài viết lên án nạn chặt phá rừng, đã nhiều nghị quyết, phương án, khẩu hiệu được hô vang. Nhưng hiệu quả lại là những con số đọc thật ghê người.
Có lẽ chúng ta đã sai khi tiếp cận vấn đề rằng, phải cấm chặt phá rừng mới bảo vệ được rừng. Vì hiện không ít những người trồng rừng, những cơ quan hành pháp có trách nhiệm như công an, kiểm lâm, thậm chí chính những người ra khẩu hiệu, nghị quyết về rừng lại được phát hiện là có tiếp tay cho vấn nạn này.
Phải nhìn lại chính bản thân mình trước khi chê trách những người đang phá rừng, chặt cây. Chính các bạn đã bao giờ trầm trồ khen một bộ bàn ghế bằng gỗ tự nhiên, bộ sập gụ tủ chè hay một bộ cầu thang làm từ một cây gỗ nguyên khối, một lọ độc bình vĩ đại bằng gỗ quý được trưng bày đâu đó hay chưa? Ngay cả những vị đại biểu ngồi cùng tôi trong hội trường Quốc hội, đã bấm nút biểu quyết luật Lâm nghiệp, có bao nhiêu vị mà trong nhà không có một bộ đồ thật đẹp làm từ gỗ quý tự nhiên?
Khi chúng ta còn thích, còn trầm trồ thì chắc chắn nạn phá rừng lấy gỗ, sự thờ ơ tắc lưỡi với những cây xanh quanh mình sẽ không bao giờ kết thúc.
Với nhu cầu phát triển rất nóng hiện nay, nhiều công trình đồ sộ mọc lên như nấm khắp mọi nơi. Các quốc lộ đan xen chằng chịt được vạch ra để "cải thiện hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng" càng làm tăng nhu cầu chặt cây mà người ta dùng một từ nhẹ nhàng là "di dời các cây cổ thụ".
Sẽ rất nhiều người biện luận, muốn giữ một cây thì không có cầu, phải chịu tắc đường, chịu ở nhà lụp xụp... Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tất cả phụ thuộc vào cái tâm của những người có quyền quyết định.
Nếu họ thực sự thương và yêu cây, họ sẽ không chỉ quan tâm đến việc phải đền bù bao nhiêu nhà dân mà còn đếm từng cái cây sẽ chặt. Sẽ luôn có phương án B, C dù có thể tốn hơn nhưng "di dời" ít cây hơn và phải là phương án được lựa chọn. Công chúng có quyền hỏi, vì sao thành phố nhất quyết phải chặt cây, còn phương án nào khác không, sao không ai giải trình thật cụ thể với dân? Ví như những ngày này, gần 500 cây xà cừ đang ngã xuống trên đường Láng - con đường và hàng cây đã trở thành một phần ký ức với người Hà Nội. Chúng đang được bứng và dời đi khỏi địa phận làng Láng cũ.
Kều Jang bạn tôi, người điều hành dự án Nhà chống lũ đã đặt ra những câu hỏi rất hay: Tại sao mở rộng đường mà không công bố quy hoạch, giải pháp mở rộng, chặt và di chuyển cây cho người dân và các nhà chuyên môn đóng góp ý kiến? Tại sao chỉ công bố sơ sài trên báo rồi sau vài ngày đã tiến hành chặt? Số gỗ từ 105 cây bị chặt dùng để làm gì? Ai quản lý? Nếu bán thì tiền đó đi đâu, làm gì? 371 cây còn lại được nói rằng được di chuyển tới vườn ươm, sau đó số cây này có được trồng lại không, sẽ trồng ở đâu, bao giờ trồng, ai là cơ quan giám sát? Con đường mới có quy hoạch trồng cây không, trồng như thế nào, tại sao không công bố bản vẽ quy hoạch? Có đưa những cây đã di chuyển về lại con đường?
Chắc công chúng sẽ rất khó nhận được câu trả lời khi trách nhiệm là của chung còn quyết định lại là của riêng.
Nguyễn Lân Hiếu