Thông tin được ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao TP HCM, xác nhận với VnExpress ngày 25/9.
Theo đó, cơ thủ Trần Quyết Chiến được mời tham dự sự kiện thi đấu giao hữu do Liên đoàn Billiard thế giới (UMB) phối hợp Liên đoàn Billiards and Snooker Trung Quốc (CBSA) tổ chức tại Thượng Hải. Mục đích để quảng bá nội dung carom 3 băng và chào mừng CBSA là thành viên của Liên đoàn Billiard carom Châu Á.
Ngoài Trần Quyết Chiến của Việt Nam còn có các cơ thủ Cho Myung Woo (Hàn Quốc), Dick Jaspers (Hà Lan) và Tayfun Tasdemir (Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là những vận động viên đang trong top 10 trên bảng xếp hạng của thế giới. Giải diễn ra trong hai ngày 23-24/9
Ông Nhân cho biết trong thư mời cũng như thông tin về giải đấu trên trang web chính thức của UMB không có các yếu tố ảnh hưởng đến chính trị. Do đó, Sở đã xin ý kiến UBND TP HCM cử cơ thủ Trần Quyết Chiến tham dự. Các trận đấu được trực tiếp trên các nền tảng số.
Tuy nhiên, ngày 23/9, trận đấu giữa Quyết Chiến và tay cơ Dick Jaspers khi phát trên sóng truyền hình trực tiếp, ở đoạn chiếu chậm các đường bi đã bị lồng ghép hình ảnh bản đồ Trung Quốc có cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Do vị trí ngồi của cơ thủ Trần Quyết Chiến quay lưng với màn hình nên không thấy được hình ảnh. Tuy nhiên, sau trận đấu Chiến nhận được thông tin từ người xem trực tiếp tại Việt Nam. Ngay lập tức anh đã liên hệ với huấn luyện viên Nguyễn Việt Hòa để xin ý kiến bỏ giải.
Cho rằng việc chiếu bản đồ Trung Quốc có "đường lưỡi bò" không phù hợp với hình ảnh về chủ quyền của đất nước, huấn luận viên Hòa đồng ý Chiến ngưng tham gia sự kiện và yêu cầu anh trở về Việt Nam sớm nhất có thể. Vụ việc cũng được báo cáo ngay cho Sở Văn hóa Thể thao TP HCM.
"Chiến đã đặt vé và về ngay trong đêm 23/9, có mặt ở Việt Nam lúc 1 giờ 35 sáng 24/9", ông Nhân nói.
Bình luận về việc cơ thủ Trần Quyết Chiến bỏ giải, ông Nhân nói cá nhân ông và Sở đồng tình với cách giải quyết này bởi ban tổ chức biết rõ vận động viên tham gia đến từ Việt Nam nhưng đã thể hiện "sự không tôn trọng". Sở cũng sẽ có văn bản gửi Liên đoàn Billiard thế giới đề nghị phải nghiêm túc nhìn nhận, tôn trọng các bên tham gia khi tổ chức các giải quốc tế tương tự.
Trần Quyết Chiến sinh ngày 3/2/1984 tại Hà Tĩnh, từng đứng thứ ba thế giới. Từ hơn năm năm qua, anh là cơ thủ số một Việt Nam, bốn lần vào chung kết World Cup với hai danh hiệu.
CBSA trước đây chủ yếu phát triển các thể loại billiard có lỗ, nhưng gần đây họ quan tâm đến billiard không có lỗ (carom). Để kỷ niệm CBSA vừa gia nhập Liên đoàn Billiard carom châu Á, họ tổ chức sự kiện để quảng bá carom tại Thượng Hải từ 21/9 đến 26/9. Ngày 21/9, Chủ tịch Liên đoàn billiards carom thế giới (UMB) Farouk Barki cũng tới Trung Quốc dự sự kiện. Trên phông nền của những biển hiệu quảng cáo giải đấu, logo của CBSA, UMB và một CLB billiards địa phương được treo cao nhất.
Trong sáng 23/9, Quyết Chiến cùng ba cao thủ khách mời tham gia một số hoạt động phong trào, như thăm trường tiểu học Đường Trấn và giao lưu billiard với các học sinh. Chiều cùng ngày, cơ thủ Việt Nam và ba khách mời vào đánh giao lưu, cho đến khi xuất hiện hình ảnh không phù hợp với chủ quyền đất nước. Khi đó cơ thủ số một Việt Nam tập trung thi đấu, không phát hiện được hình ảnh "đường lưỡi bò". Chủ tịch UMB mong muốn ông Việt Hòa và Quyết Chiến đưa ra lời giải thích nhẹ nhàng với ban tổ chức cho việc bỏ giải, nhưng hai thầy trò từ chối.
CBSA thành lập năm 1986, với logo có hình bản đồ Trung Quốc màu đỏ. Trong một giải đấu năm 2021, logo này không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, logo hiện tại trên trang web chính thức của CBSA có cả hai quần đảo này của Việt Nam. Logo phát trên AfreecaTV cũng có hai quần đảo này, nhưng sau đó nền tảng của Hàn Quốc đã xóa video liên quan.
"Đường lưỡi bò", hay "đường 9 đoạn" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra đòi yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) ở The Hague, Hà Lan từng phát quyết ngày 12/7/2016 rằng "đường lưỡi bò" do Trung Quốc vẽ ra "không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982". Việt Nam cũng nhiều lần bác bỏ cái gọi là đường 9 đoạn cũng như các yêu sách biển trái với luật pháp quốc tế.
Lê Tuyết - Xuân Bình