From: Hong Van
Sent: Saturday, November 24, 2007 1:06 PM
Subject: Ghen tuông, bạo lực, bẩn tính, chồng tôi đều có cả
Cháu chào cô Thu,
Chắc có lẽ cô gần bằng tuổi mẹ cháu, mẹ cháu năm nay 58 tuổi rồi. Nhưng cả đời mẹ cháu vô cùng khổ, khổ từ trẻ cho đến tận bây giờ, khi mà bà đã có dâu có rể đề huề, đã lên chức bà nội, bà ngoại. Con người ta nếu khổ về của cải nhưng còn vớt lại được tinh thần, nhưng mẹ cháu thì khổ đủ đường. Khổ vì những trận đòn roi của chồng, khổ vì sự không biết điều của anh chị em chồng, khổ vì phải quán xuyến các việc từ nhỏ đến lớn trong gia đình chồng… Nhiều lắm cô ạ.
Giá như mẹ cháu là người không ra gì đã đành. Mẹ cháu được ông bà ngoại cho ăn học tử tế, là giáo viên dạy giỏi trong nhiều năm liền, là người con dâu biết đối xử tử tế với đại gia đình nhà chồng. Lo dựng vợ, gả chồng cho em chồng, ma chay cho 2 người em dâu rồi một tay chăm sóc ông bà nội bị liệt vì tuổi già. Đến khi ông bà cháu nằm xuống cũng lo ma chay tử tế… Anh em chồng có khốn khó về tiền bạc là chạy đến vay mượn, nhưng có khi nào trả đâu. (Ông bà nội cháu nghèo nên cha cháu chỉ học hết lớp 7 là nghỉ).
Cháu những tưởng, cái ân tình đó phải được đền đáp và biết ơn bởi người chồng, nhưng không cô ạ. Cha cháu là một người cực kỳ gia trưởng, độc đoán và luôn coi mình là người quyền thế nhất trong gia đình. Mỗi lời ông nói ra là mệnh lệnh, là quyền uy và không ai được phản kháng lại.
35 năm nay chưa khi nào gia đình cháu có một cái Tết đúng nghĩa. Tết chỉ có vài ngày, nhưng gia đình cháu luôn luôn phải ăn Tết từ ngày 20/12 âm lịch cho đến hết 15/1 âm lịch. Trong những ngày đó, bữa ăn nào cũng phải thịnh soạn như ngày đại tiệc. Tưởng thế đã được yên ấm nhưng năm nào mùng 1 tết hoặc mùng 2, mùng 3 cũng bị nghe chửi. Phật ý cái gì cũng chửi, thiếu quả ớt, quả chanh mẹ cháu cũng bị chửi, chửi cả dòng họ nhà mẹ cháu. Chửi là “mày cho tao ăn giống như cho chó ăn…”, nhiều lắm và thô tục lắm. Chửi như vậy mà chỉ biết câm lặng thôi cô ạ, bởi có nói lại thì bị đánh, bị vả bôm bốp vào mặt.
Từ nhỏ cho đến lớn, chúng cháu đã phải chứng kiến rất nhiều lần cảnh cha cháu chửi bới và đánh đập mẹ cháu. Vậy mà mẹ cháu không thể thanh minh hay nói lại lời nào, vì nếu thanh minh và phản kháng lại thì càng bị đánh đau hơn.
Người ta cưới vợ, cưới chồng cho con, xây nhà, mua sắm các vật dụng thì vợ chồng vui vẻ bàn tính xem tổ chức thế nào, chi phí ra sao để phù hợp với kinh tế gia đình mình. Nhưng riêng gia đình cháu thì không cô ạ. Mọi thứ đều do cha cháu ra lệnh, và quyết định hết, không ưng ý cái gì là cha cháu bắt đổ đi. Trong khi tiền bạc thì phó mặc cho mẹ cháu tự xoay sở. Phật ý là chửi và bảo “ mày mà làm trái ý ông thì ông đâm mày chết”, có khi nửa đêm dạy bóp cổ mẹ cháu và giơ con dao Thái Lan vào cổ định đâm.
Ngày cưới con, chuẩn bị đến giờ đi đón dâu mà mẹ cháu vẫn phải chui vào buồng khóc tức tưởi vì bị chồng chửi. Ông bà ngoại và các Dì cháu đau đớn mãi. Như thế đâu đã hết hả cô, ông ngoại tình, cặp bồ nhiều lần. Mẹ cháu vì không muốn con cái biết nên chỉ khuyên bảo nhẹ nhàng, nhưng ông không biết lỗi mà còn cả vú lấp miệng em. Đánh mẹ cháu tới tấp và bảo bà vu oan.
Nhưng khi chúng cháu lớn cả rồi thì chúng cháu bắt gặp. Anh trai và em trai cháu tận mắt chứng kiến (ở nhà cháu). Đấy là lúc gia đình cháu còn giàu có (cha cháu đưa khách về giới thiệu là đối tác và nói mẹ cháu chuẩn bị cơm đế đãi khách. Trong khi mẹ cháu lúi húi nấu nướng thì cha cháu đưa bà ta lên lầu 3 hú hí).
Khi gia đình cháu xuống dốc (vì cha cháu làm ăn không tính toán, lúc nào cũng vung tay quá chán, và bị đối tác của ông lừa đảo nên bị phá sản) thì ông càng dữ dằn hơn. Ông không chấp nhận thực tế là tại mình mà luôn luôn đổ tại vợ, tại gia đình nhà vợ không giúp đỡ… Ông chửi bới nhiều hơn, hết chửi vợ thì quay sang chửi con và bảo “chúng mày lên ông nọ bà kia và để cho cha mày khổ, không nhờ có cha mày thì thử hỏi chỉ có con mẹ mày thì chúng mày thất học hết rồi”. Đau đớn quá cô ạ.
Ông khổ vì cái gì cơ chứ, ông ngày ngày vác xe máy đi chơi bài, đi bất cứ đâu ông muốn trong khi mẹ cháu thì còng lưng đạp xe đạp để đi kiếm tiền nuôi cả gia đình (con cái biếu tiền để mẹ mua cái xe máy mười mấy triệu mà đi cho đỡ mệt, thì mẹ cháu lại nhường cho cha cháu đi. Trước đó ông vẫn có xe nhưng nó hơi cũ và bán đi). Chúng cháu vẫn biếu tiền mỗi khi về thăm hoặc mua sắm cho ông. Người ta phá sản thì cực khổ trong khi cha cháu vẫn sung sướng hơn cả những người bình thường có kinh tế khác.
Lại nói về những đứa con của cha mẹ cháu là chúng cháu đây. Quả thực, đau khổ lắm cô ạ. Nhiều khi đau đớn đến độ ước chi mình không tồn tại trên cuộc đời này để không phải nhìn thấy những cảnh tượng đau thương trong gia đình mình. Nhưng ước đâu có được hả cô, anh chị em cháu đành phấn đấu để thoát ly khỏi gia đình. Đang học ĐH thì được tin về nhà ngay mẹ bị ngã. Tất tưởi gọi nhau về thì hóa ra mẹ bị cha đánh đến gãy xương, gãy tay. Đánh đau quá mẹ ngất đi thì cha bế lên đưa vào nhà khi tỉnh lại thì dặn rằng “bảo với các con là bị ngã”. Còn nhiều nhiều lắm cô ạ, cháu không thể kể hết.
Đi ra xã hội mới thấy mẹ mình sao khổ thế, mỗi khi nhớ đến là cháu lại không cầm được nước mắt. Khóc tức khóc tưởi cô ạ. Vài năm trước mấy anh chị em cháu đã khuyên mẹ cháu nên ly hôn, để mẹ được sống thanh thản, không phải vì chúng cháu nữa. Nhưng mẹ cháu không đồng ý, có lẽ mẹ vì ông bà ngoại, vì thể diện gia đình, và cũng có thể vì sợ ly hôn thì cha cháu sẽ cầm dao giết nhiều người vì cay cú…, nên bà nhất định không chịu ly hôn. Nhưng với chúng cháu thì không sợ dư luận, không sợ xấu hổ nữa, mà chỉ mong sao cho mẹ cháu được yên lành, tâm hồn được vui vẻ…
Chỉ biết rằng anh chị em cháu bây giờ không hề kính trọng ông, mặc dù vẫn biếu quà và tiền ông. Bản thân cháu bây giờ thực sự vô cảm trước ông ấy. Trong tất cả mấy anh chị em, cháu là người ít nói nhất. Chưa bao giờ cãi lại hay khuyên bảo ông như mấy anh chị kia. Cháu đau đớn và giận ông nhiều lắm, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết ngoài mẹ cháu (cháu câm lặng giữ ở trong lòng và cháu không bao giờ tâm sự với bà về điều này).
Cháu đã chọn giải pháp ra đi, đến một nơi thật xa xôi để không ai biết cháu là con cái nhà ai. Và cháu đã tự mình phấn đấu để xây dựng cuộc sống riêng của mình, mua nhà, sắm xe...
Mẹ cháu thì mong cháu về lại để sống gần bà, quây quần bên nhau và khuyên cháu hãy vì mẹ mà tha thứ cho cha. Nhưng trong suy nghĩ của mình, cháu không thể đối diện với cha. Chỉ trừ khi nào ông mất thì cháu mới về lại nơi đó. Khi trước cháu hứa với mẹ là “con đi 10 năm rồi về lại”, nhưng nay đã 10 năm hơn rồi cô ạ.
Hôm rồi qua người em, cháu mới biết mẹ cháu lại vừa bị đánh nữa. Thế mà thỉnh thoảng cháu điện thoại hỏi thăm, mẹ cháu không kể gì cả (chắc bà nghĩ nếu cháu biết thì cháu sẽ đau đớn lắm nên không kể cũng nên).
Qua những suy nghĩ và hành động của cháu, một người con thấy cảnh bạo hành diễn ra trong gia đình mình thì cô cũng thấy là giải pháp ly hôn là tốt nhất. Bởi cô cứ nghĩ rằng vì con mà mình phải chịu đựng là không tốt đâu cô ạ. Những hình ảnh đó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm tư tình cảm của các em, và đến một ngày phẫn uất quá em sẽ không kìm chế được và phản kháng bằng một hành động không hay. Như vậy sẽ lại càng trở nên bi kịch hơn cô ạ.
Vì những người như cha cháu hay chồng cô sẽ không bao giờ thay đổi. Không phải mẹ cháu hay cô nhu nhược nên họ mới vậy, mà đó là bản chất của họ rồi. Một bản chất thống trị tồn tại trong con người họ và đừng có hy vọng cãi lý hay phân tích gì cả bởi càng làm như vậy thì họ lại càng bảo là cậy có học để dạy khôn và càng đánh cho chừa…
Hãy sống vì bản thân mình nhiều hơn chút nữa cô ạ. Đừng để những người thân phải rơi nước mắt vì mình. Ông bà ngoại cháu cứ khóc mãi vì thương con đấy cô ạ, khóc đến bạc trắng cả tóc và chỉ còn da bọc xương thôi, họ không ăn không ngủ được. Ông cháu mới mất rồi chỉ còn lại bà ngoại thôi. Bà có ốm hay nhớ con muốn gọi con về thăm mà không dám đấy. Vì mỗi lần về thăm bà xong là mẹ cháu lại bị cha cháu đánh cho một trận tơi bời, bị tra hỏi là đi đâu và đi với thằng nào. Cay đắng và khổ thế đấy cô ạ.
Cháu khuyên cô nhưng lại không khuyên được mẹ mình. Và cứ nuốt nước mắt vào trong, nuốt nỗi đau đeo bám bao nhiêu năm từ khi còn nhỏ dại đến khi trưởng thành. Và để rồi cứ tiếp tục đau mãi cho đến khi mình về già cũng nên (cháu cũng 35 tuổi rồi).
Chúc cô sớm được thanh thản.