Tại Vòng chung kết giải Billiards & Snooker toàn quốc 2014, không ít tay cơ chuyên nghiệp không khỏi bị sốc khi nghe hai đàn anh Lý Thế Vinh và Đặng Đình Tiến cùng chia tay sàn đấu. Lý Thế Vinh bận việc kinh doanh của năm công ty, gia đình lại chuyển hẳn sang Mỹ sinh sống nên quyết định nghỉ thi đấu. Còn tay cơ lão làng, nhiều tuổi nhất làng Billiards & Snooker Đình Tiến lại khác.
"Tôi cảm thấy lứa đàn em phía sau có thể là hậu duệ thay thế, thậm chí vượt mình trong năm đến bảy năm tới", Đình Tiến chia sẻ cùng VnExpress. "Với lại, tôi cũng có tuổi rồi. Năm nay đã 54 tuổi, lửa thi đấu không còn nhiệt huyết như trước. Vấn đề kinh tế cũng quan trọng. Từ hồi theo nghiệp cầm cơ, chủ yếu bỏ tiền túi đi thi đấu chứ thu về từ các giải thưởng được nhiêu đâu".
Nói đến đây, đôi mắt anh như hướng về xa xăm rồi miên man nhớ lại chặng đường dài 17 năm theo nghề.
"Lúc ấy, thi đấu chơi thôi chứ chẳng nghĩ làm nên chuyện lớn gì đâu", Đình Tiến kể lại. "Anh em trong nghề ở Sài Gòn và các vùng lân cận hồi đó biết tiếng, rồi trong một lần nói chuyện, huấn luyện viên Nguyễn Việt Hòa rủ tôi tham dự giải Billiards & Snooker TP HCM mở rộng. Ai ngờ đây là giải tuyển chọn vận động viên tham dự SEA Games 1997".
Tại SEA Games 1997 tại Jakarta (Indonesia), Đình Tiến cùng bốn đồng đội Lý Thế Vinh, Dương Hoàng Anh, Trần Văn Sang, Lê Phước Lợi là những tay cơ đầu tiên tham dự Đại hội TDTT khu vực. Nếu Thế Vinh đoạt HC vàng carom ba băng, Đình Tiến cũng có tấm HC đồng carom một băng. Một cú hích khích lệ đưa Billards & Snooker Việt Nam nhận được ánh mắt tôn trọng từ các đối thủ.
Đến với thể thao chuyên nghiệp khá muộn nhưng Đình Tiến đã có đủ bộ vô địch SEA Games, châu Á, Asian Indoor Games cũng như chức vô địch Quốc gia.
"Nhiều anh em phóng viên gọi tôi là 'độc cô cầu bại' vì quý mến, chứ tôi nghĩ mình chưa đạt đến tầm đó", vuốt mái tóc hoa râm Đình Tiến trút bầu tâm sự. "Với tôi, danh hiệu đáng để nói nhất và là khoảnh khắc huy hoàng nhất là vô địch châu Á 2009 tại Hàn Quốc khi đánh bại tay cơ Machida Tadashi của Nhật Bản. Tấm Huy chương vàng SEA Games 27 cũng đặc biệt khi tôi dự định sau giải đấu đó sẽ giải nghệ".
Đình Tiến nói, anh kết hôn từ năm 1988 nhưng mải mê theo nghiệp thi đấu nên toàn bộ công việc, con cái đều để bà xã lo. Nay cô cả đã cưới chồng và sinh cháu ngoại. Cậu út nay đang theo học Cao đẳng ở Sài Gòn nhưng chẳng mê nghiệp cầm cơ như bố.
"Tôi cho cháu tự do lựa chọn nghề nghiệp chứ không khiên cưỡng. Đến với nghiệp cầm cơ bằng đam mê, khát khao chứ thực ra nghiệp Billiards & Snooker ở mình vẫn chưa thể nuôi sống bản thân. Nhiều tay cơ trẻ đam mê, có năng khiếu nhưng không đủ kinh tế cho phép theo đuổi nghề cũng vì lẽ ấy. Tôi nghỉ thi đấu cũng vì lo kinh tế mà đôi mắt, cõi lòng vẫn hướng theo nghiệp. Nói thế thôi đam mê vẫn còn mạnh trong lòng tôi. Bởi thế, tôi vẫn lặn lội ra Đà Nẵng xem các tay cơ cả nước thi đấu. Vừa đỡ nhớ nghề lại động viên, ủng hộ anh em".
Cuối tháng này, Đình Tiến sẽ nhận đất ở đường Nguyễn Thiện Thuật, TP HCM. Anh sau đó sẽ sửa chữa, xây CLB Billiards & Snooker cho riêng mình. "Tôi dự tính lắp đặt 20 bàn ở câu lạc bộ của mình. Có bốn bàn đạt tiêu chuẩn thi đấu, tám bàn bida lỗ chuẩn quốc tế và bốn bàn bida phăng nhỏ để tập luyện", Đình Tiến tiết lộ. "Tôi muốn ươm mầm, phát hiện những tài năng ở CLB, cũng như theo nghiệp huấn luyện viên cho TP HCM".
Theo nhận định của Đình Tiến, trình độ vận động viên Việt Nam so với đối thủ tầm thế giới đạt 7/10. "Vẫn còn khoảng cách không nhỏ để các tay cơ Việt Nam tiến đến giấc mơ vô địch thế giới. Hy vọng tầm năm đến bảy năm nữa, Billiards & Snooker Việt Nam sẽ 'cá chép hóa rồng'", anh nói.
Anh Tuấn