![]() |
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Thái Văn Trừng. |
Theo giáo sư Trừng, nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng tràm hiện đang được áp dụng như: làm kênh bao, đào hồ chứa nước trong rừng (Nông trường Sông Trẹm), đào kênh mương cắt rừng thành ô, đào ranh cản lửa... tuy có tác dụng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và tốn kém. Phải có hệ thống xổ nước phèn, nếu không sẽ gây độc hại cho các động vật thủy sinh và có khi làm thối rễ tràm khiến cây tràm bị chết như đã xảy ra ở lâm trường U Minh. Đào ranh cản lửa thì lửa vẫn có thể bò qua khi có gió lớn.
Giáo sư Trừng cho biết, cần phải học tập thiên nhiên trong việc phòng cháy này: Trồng tràm hỗn giao với nhiều loại cây khó cháy, như ở Vồ Dơi (U Minh Hạ) tràm mọc hỗn giao tự nhiên với các loại cây trâm, cây mốp, bàng..., ở dưới đất thì có cây mua, cây choại... Chính vì vậy, nạn cháy rừng chưa từng xảy ra ở đây.
Vấn đề chính là tìm ra loại cây nào thích hợp nhất, phù hợp với vùng đất ngập mặn, úng phèn. Ở Tịnh Biên, có cây gáo vàng ngập nước vẫn mọc và chịu cả đất phèn. Nếu trồng hỗn giao như vậy thì rừng tràm sẽ rất bền vững, không cháy. Ngoài cây gáo vàng, giáo sư Trừng cũng đề nghị trồng thử nghiệm cây mốp ở Long An, xem có chịu được đất úng phèn không. Có thể trồng xen cây tràm và cây mốp, cứ ba băng loại cây này thì xen vào ba băng loại cây kia. Ông Trừng còn cho biết, trước kia ông đã có kinh nghiệm trồng cây thông (loại cây có tinh dầu dễ cháy) hỗn giao với cây keo lá tràm ở Đông Hà (Quảng Trị), và nạn cháy rừng đã không còn xảy ra ở đó nữa.
(Theo Người Lao Động)