Thông tin nêu trên được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành công thương chiều 12/7. Theo đó Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Bia - Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã hoàn thành việc xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước.
“Nguyên tắc thoái vốn là Nhà nước sẽ nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ”, ông Tuấn Anh nói. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho hay, cơ quan này đang khẩn trương thẩm định phương án và triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại 2 tổng công ty này.
Trong một công văn trước đó gửi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương và Hội đồng quản trị Sabeco và Habeco, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng kiến nghị, cần đẩy nhanh quá trình thoái vốn, niêm yết tại 2 tổng công ty này.
Theo VAFI, lựa chọn Nhà nước thoái hết 100% vốn tại Sabeco và Habeco sẽ là "cực kỳ thông minh" bởi khi đó, giá trị doanh nghiệp sẽ đạt được tối đa. Còn nếu Nhà nước tiếp tục nắm giữ 36% cổ phần, tức là tiếp tục nắm giữ quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông và có thể tiếp tục cử cán bộ không đủ năng lực tham gia Hội đồng quản trị thì giá bán sẽ giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Ngoài Habeco và Sabeco đang trong quá trình thẩm định phương án thoái vốn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn cho biết, một số tập đoàn, tổng công ty khác trực thuộc Bộ Công Thương đã hoàn thành xong kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2011-2015.
Đơn cử Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã thoái vốn tại 13/17 doanh nghiệp. Riêng vốn rót vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm… cũng được tập đoàn này thoái xong và còn có lãi. Hay Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đã hoàn thành việc thoái vốn ở 2 đơn vị là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty TNHH Saporo Việt Nam.
Tham dự và chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra yêu cầu với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc ngành công thương phải đẩy nhanh hơn quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc, cũng như việc thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty. Thủ tướng coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải hoàn thành trong nửa cuối năm 2016.
"Phải thoái vốn tại các doanh nghiệp như Vinamilk, Habeco, Sabeco… trên tinh thần công khai, minh bạch để thu tiền về có lợi nhất cho Nhà nước", Thủ tướng yêu cầu. Ông cũng cho rằng trừ một số lĩnh vực quan trọng như điện, lương thực... còn lại phải thoái nhanh vốn Nhà nước tại các lĩnh vực khác.
"Doanh nghiệp tư nhân phải ngày càng lớn hơn, doanh nghiệp Nhà nước phải nhỏ đi. Nếu vẫn giữ tinh thần Nhà nước quốc doanh mãi thì sẽ rất khó khăn", người đứng đầu Chính phủ dứt khoát.
Ông cũng đặt vấn đề, Bộ trưởng Công Thương với tư cách là người "đầu tàu" cùng các cộng sự của mình phải đẩy mạnh hoạt động, thay đổi tổ chức để thoái nhanh vốn Nhà nước tại những lĩnh vực không cần nắm giữ, xây dựng kế hoạch quản lý theo hướng thị trường hơn... "Cái gì khó khăn, cần chính sách để làm tốt hơn nữa thì Bộ cứ xây dựng kế hoạch, đề xuất trực tiếp lên Chính phủ tháo gỡ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý.