VnExpress đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) về mở cửa thị trường du khách quốc tế và chiến lược phát triển du lịch nội địa của Việt Nam.
- Các nước châu Âu đã mở cửa biên giới để thu hút du khách nội khối, nhằm nhanh chóng phục hồi kinh tế du lịch. Tổng Cục Du lịch cũng cho biết một số nước đặt vấn đề nối lại đường bay với Việt Nam. Ông có cho rằng đã đến lúc tính tới việc đưa khách Việt ra nước ngoài và ngược lại chưa?
Sau thời gian giãn cách, Thủ tướng đã đồng ý mở cửa du lịch nội địa, đây là tín hiệu tốt cho ngành du lịch, hàng không. Tần suất bay của các hãng hàng không không những được phục hồi mà còn mở thêm những đường bay mới.
Tuy nhiên có một đặc điểm của du khách nội địa là sử dụng những đường bay không đều như du khách quốc tế, thường tập trung vào thời gian cuối tuần hoặc đến những điểm đến có sự kiện. Khách quốc tế thì đi nhiều nơi.
Nhưng vẫn phải khẳng định việc phục hồi du lịch nội địa đã giúp nhiều doanh nghiệp du lịch và hàng không dần khôi phục trở lại. Nhiều khách sạn có công suất phòng đạt 60 – 70 % tháng.
Tuy nhiên phân tích kĩ sẽ thấy, khách Việt có đặc điểm là tập trung đi đến những khu vực, nơi đã quen thuộc. Thế nên các khách sạn cao cấp, tỉ lệ chiếm phòng chưa cao, nhất là các khách sạn ở thành phố lớn. Ví dụ như các khách sạn 5 sao ở Hà Nội hay TP HCM, công suất phòng thấp. Nếu trước đây, khi có khách quốc tế, những khách sạn ở nhóm này tỉ lệ chiếm phòng tương đối tốt.
Doanh thu của ngành du lịch trong các năm vừa qua tốt. Năm 2018 đạt 637 nghìn tỷ đồng, năm 2019 đạt được 755 nghìn tỉ đồng (tăng 18,5%) và đóng góp 9,2 % GDP. Trong đó, năm 2019 có hơn 18 triệu khách du lịch quốc tế và có khoảng 85 triệu khách du lịch nội địa, nhưng đóng góp của 18 triệu khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 55% trong tổng thu của ngành du lịch.
Vậy tại sao khách du lịch quốc tế lại đóng góp nhiều như vậy? Du khách quốc tế thường đi dài ngày, trung bình 10 ngày, còn du khách nội địa thường chỉ đi trung bình 3 ngày. Nhất là sau Covid-19, với khảo sát giữa TAB kết hợp cùng VnExpress, du khách có xu hướng đi ngắn ngày hơn, gần hơn và chi tiêu thấp hơn với trước.
Nếu không có khách quốc tế trong năm 2020, nguồn thu từ du lịch chỉ có thể trông cậy vào du lịch nội địa (khoảng 55 – 60 triệu lượt khách) và tổng thu từ du lịch dự kiến chỉ đạt khoảng 200 – 240 nghìn tỉ đồng. Nếu so với 2019, có thể thấy được sự sụt giảm doanh thu kinh khủng từ ngành du lịch, không bù đắp được.
Nếu chỉ trông chờ vào khách nội địa thôi, sẽ có thiệt hại lớn về doanh thu. Ngoài ra ngành du lịch hiện có trên 4 triệu nhân lực làm việc và khoảng 2 – 3 triệu lao động gián tiếp. Trong khi khách du lịch nội địa đi theo mùa (chỉ có mùa hè tháng 5 – 9) còn khách du lịch quốc lại đi vào mùa đông (tháng 10 – 4). Năm nay, kì nghỉ hè cũng có sự thay đổi và Covid-19 cũng sẽ làm thay đổi quy luật của du lịch. Nếu có mở cửa sẽ bù đắp khoảng thời gian trống giữa 2 thị trường du lịch nội địa và quốc tế. Việc này sẽ giúp cho các doanh nghiệp du lịch, các nhân sự trong ngành du lịch có thu nhập ổn định. Nhưng nếu tiếp tục không mở cửa, có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp du lịch hết thời gian cao điểm của du lịch nội địa sẽ không chịu nổi và phá sản, tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Người làm trong ngành du lịch và người gián tiếp cũng bị ảnh hưởng thu nhập.
Tuy nhiên, phải nhìn ngược lại, chưa biết khi nào đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt, vaccine cũng chưa tìm ra. Vì vậy, không thể vì doanh thu ngành du lịch mà mở cửa cho khách quốc tế, sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân.
Nếu mở cửa cần vừa thận trọng vừa đảm bảo an toàn theo hướng "sự an toàn và sức khỏe của người dân cần được cân đối hài hòa với các lợi ích kinh tế". Không thể vì lợi ích kinh tế mà hy sinh an toàn của người dân được.
Việc các nước châu Âu mở cửa là một tín hiệu để ta xem Việt Nam có thể mở cửa như thế nào. Theo các chuyên gia trong TAB thì có lẽ, nên mở cửa với các nước gần và có sự an toàn, mở cửa từng bước và có sự thận trọng.
- Tiến trình này nên được chuẩn bị như thế nào và thực hiện ra sao? Theo ông phương án này là gì và cần được lên sớm như thế nào?
Để chuẩn bị cho tiến trình này, TAB đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ đề xuất các phương án chuẩn bị nếu mở cửa du lịch quốc tế.
Thứ nhất là, thành lập tổ công tác gồm các chuyên gia từ các bộ ngành khác nhau cùng thảo luận, gồm các Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ GTVT và Bộ VHTTDL. Bởi không thể có một bộ ngành riêng nào có thể có ý kiến toàn diện về vấn đề mở cửa được.
Theo đó, mở cửa theo hướng tạo "hành lang du lịch an toàn" (travel bubble) giữa Việt Nam với từng nước đã an toàn về dịch Covid-19.
Tổ công tác tạo ra bộ tiêu chí đánh giá nước an toàn về dịch và quy trình đón khách du lịch nước ngoài. TAB cũng tìm hiểu và tham khảo với một số tổ chức quốc tế và chuyên gia du lịch quốc tế xem liệu đã có bộ tiêu chí nào để mình học tập không, nhưng chưa có. Với mỗi nước lại có tiêu chuẩn an toàn khác nhau. Tổ công tác có thể tạo ra bộ tiêu chí của riêng Việt Nam.
Hoặc có thể trước mắt Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế đến với mọi nơi mà chỉ quy định được đến với một vùng cụ thể nào đó thôi. Có nhiều du khách mong muốn đến du lịch Việt Nam và chỉ cần ở một khu resort tắm biển và chẳng đi đâu cả. Họ tin tưởng Việt Nam an toàn dịch bệnh và họ biết rằng đi lại cũng không an toàn.
Việc mở cửa có thể bắt đầu với các chuyến bay thuê chuyến, vận chuyển hàng hóa, rồi sau này mới là các chuyến bay thương mại, chở hành khách.
Không chỉ nên tập trung vào việc mở cửa để giúp cho ngành du lịch mà mở cửa cho ngành kinh tế Việt Nam. Khi kinh tế phục hồi, du lịch mới được hưởng lợi.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của TAB chỉ là đưa ra các tư vấn, còn quyết định có thành lập tổ công tác hay không và có chính sách thế nào là quyết định của Chính phủ.
- Như ông nói ở trên, phục hồi thị trường du lịch nội địa là tín hiệu tốt của ngành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng phàn nàn hiện nay mỗi địa phương trong cả nước mạnh ai nấy làm kích cầu. Liệu đó có phải là cách làm đúng?
Về vấn đề này tôi không có thẩm quyền đánh giá. Tôi chỉ đưa ra một số nhận xét như sau.
Ngày 08/05/2020 Bộ VHTTDL đã phát động chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" để kích cầu du lịch.
Bộ VHTTDL, Tổng Cục Du lịch, Ban IV, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và TAB đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị để phát động chiến dịch này. Đã có nhiều sáng kiến được đề xuất: có sự kết hợp giữa hàng không và doanh nghiệp du lịch để tạo ra gói kích cầu du lịch, không chỉ có doanh nghiệp du lịch giảm giá mà các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương cũng cần chung tay như giảm vé tham quan hoặc miễn...
Trong những hội nghị này, các bên đều mong muốn kích cầu du lịch nội địa. Tuy nhiên cần có một lưu ý, khảo sát về nhu cầu của khách du lịch sau Covid-19 của TAB và VnExpress vào tháng 5/2020 cho thấy, việc kích cầu du lịch không nên chỉ tập trung vào việc giảm giá mà cần tạo ra những dịch vụ bổ sung để khách được hưởng lợi. Chúng ta cần phát động cho khách du lịch thấy có cơ hội nhìn ngắm vẻ đẹp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay với chi phí rẻ.
Mong muốn của TAB là nên có cơ quan quản lý đưa ra những hướng dẫn, đề xuất với các địa phương về việc kích cầu du lịch có giai đoạn, thời gian thực hiện và mức độ như thế nào. Bởi nếu địa phương này đưa ra thời gian giảm phí tham quan trong 2 tuần, địa phương kia giảm trong 2 tháng sẽ không đồng đều và khiến du khách thấy bối rối. Cần có lộ trình, đồng thời việc liên kết du lịch giữa các địa phương cũng cần tìm xem các địa phương có sự kết nối về giao thông, văn hóa, rồi nhu cầu khách như thế nào để tạo ra các điểm đến liên vùng. Khi có sự quản lý chung, có người dẫn dắt thì chính sách quản lý du lịch trong vùng sẽ đồng nhất và khách du lịch sẽ cảm thấy an toàn, hấp dẫn.
Tất nhiên, thời gian vừa rồi Tổng Cục Du lịch đã đưa ra các định hướng và các yêu cầu với các địa phương, nhưng để có sự thống nhất cần các chính sách mạnh mẽ hơn thì kích cầu du lịch nội địa mới ổn và tốt hơn.
- Kích cầu giảm giá bị cho là giảm chất lượng. Vấn đề kích cầu này cần được dừng lại hay tiếp tục, thưa ông?
Kích cầu du lịch cần tập trung đưa ra thêm các dịch vụ bổ sung, hơn là giảm giá. Lý do, thứ nhất, hiện nay các doanh nghiệp du lịch và hàng không đã bị thiệt hại về kinh doanh rất nhiều, thu nhập từ du lịch nội địa đã sụt giảm doanh thu so với trước. Nếu tiếp tục cạnh tranh về giá cả sẽ dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận âm và phải đóng cửa, khiến nhiều người thất nghiệp thì không ổn. Nếu giảm giá phải có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn với nhau và mức giá đó phải đảm bảo không dưới mức giá bán. Có thể không có lợi nhuận nhưng không được lỗ.
Thứ hai, khi đã giảm giá thì việc phục hồi giá sẽ rất khó khăn. Bởi tâm lý của khách du lịch là chỉ trông chờ để xem có giảm giá hay không. Và khi tăng giá trở lại, dù tăng chậm nhưng sẽ có nhiều người cân nhắc. Việc giảm giá sâu dẫn đến việc phục hồi hòa vốn rất mất thời gian, và gần như thời gian phục hồi lại như trạng thái bình thường rất khó, đặc biệt là thu nhập người dân cũng không được như trước.
Thứ ba, kinh nghiệm của các nước phát triển du lịch là giảm giá tối đa, không thấp hơn giá hòa vốn, tối đa cũng chỉ nên giảm đến 25%.
Tôi cho rằng vẫn cần tiếp tục chương trình kích cầu, bởi vì ngành du lịch đang có số lượng nhân lực lớn. Nhiều doanh nghiệp phải giảm bớt số lượng nhân viên hoặc cho nhân viên làm việc luân phiên. Việc này sẽ khiến nhân viên trong ngành phải tìm việc làm khác. Đây là tổn thất cho ngành du lịch, bởi ngành du lịch muốn có dịch vụ tốt hay không nằm ở nhân lực. Nhân lực có kinh nghiệm, nếu sau này phục hồi mà lại tuyển người mới thì chất lượng sẽ sa sút nghiêm trọng, cần có thời gian đào tạo để đạt được dịch vụ chuẩn. Nếu khách du lịch đến một nơi có chất lượng dịch vụ không tốt do nhân sự mới hoặc chưa được đào tạo sẽ có ấn tượng không tốt. Vì vậy, việc kích cầu để giữ nhân lực du lịch là rất quan trọng và cần thiết phải duy trì, song vẫn cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo, dẫn dắt của cơ quan quản lý du lịch.
Ngân Dương ghi