Điểm d khoản 1 điều 179 Luật Đất đai năm 2013 quy định, nếu người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không, thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.
Cụ thể, khoản 1 Điều 186 của Luật đất đai quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở, thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Theo quy định của Luật Nhà ở, 3 đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
(1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
(2) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
(3) Tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam;
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Như vậy, em gái bạn, dù định cư ở nước ngoài, vẫn có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam và được nhận thừa kế quyền sử dụng đất với mảnh đất cha bạn để lại.
Trước khi làm các thủ tục di chúc, thừa kế, sang tên bạn cần phải chứng minh em gái thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
Căn cứ Điều 5 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có giấy tờ theo quy định sau:
a) Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;
b) Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam
Sau đó, cha và em gái bạn có thể làm thủ tục sang tên bình thường theo quy định của pháp luật.
Em bạn có thể về Việt Nam cùng bố bạn làm thủ tục cho tặng quyền sử dụng đất. Nếu bận công việc, không thể về, em bạn có thể uỷ quyền cho người bên Việt Nam để thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci