Theo dự thảo sửa đổi điều 39 và 46, cơ quan có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại là cấp giải quyết lần đầu. Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết hoặc quá thời hạn (30 ngày) mà khiếu nại không được xử lý thì có quyền khiếu nại tiếp lên cơ quan hành chính cấp trên hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Trường hợp khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên, nhưng người khiếu nại vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết của cơ quan đó hoặc quá thời hạn mà không được xử lý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính. Để tránh người khiếu nại vừa khởi kiện tại tòa, vừa khiếu nại lên cơ quan hành chính, điều 39 quy định: nếu đã khởi kiện vụ án hành chính thì không được khiếu nại lên cấp trên.
Bảo thủ - "bệnh" của cơ quan hành chính
Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng cho rằng, quy định trên không rõ ràng, tạo điều kiện xấu cho tính bảo thủ, cửa quyền của cơ quan hành chính có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu. "Ít ai thừa nhận mình sai. Thực tế họ còn thách thức tôi giải quyết như thế đấy, ông bà muốn kiện đi đâu thì kiện", ông Nhượng nói. Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Đức Dũng bổ sung, hiện nay chưa có tổng kết từ khi thực hiện luật khiếu nại tố cáo, có bao nhiêu cơ quan giải quyết khiếu nại lần đầu chấp nhận sửa lại quyết định của mình, nhưng chắc là rất ít. Ông Dũng nhấn mạnh phải loại bỏ cơ chế tình nghĩa khi quy định cơ quan ra quyết định hành chính là cấp giải quyết lần đầu.
![]() |
Đại biểu thảo luận tại hội trường. |
Nhất trí với 2 đại biểu trên, ông Nguyễn Đình Xuân đưa thêm thông tin từ bên thanh tra cung cấp là 99% số vụ khiếu nại cơ quan hành chính không chịu thay đổi quyết định của mình. Mặt khác, thời gian chờ 30 ngày nếu khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì mới được tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc đưa ra là tòa là quá lâu, có thể làm lỡ cơ hội kinh doanh. "Đó là chưa kể tình trạng trên bảo dưới không nghe, quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan cấp trên không được cấp dưới thực hiện", ông Xuân nói.
Từ lập luận trên, nhiều đại biểu thống nhất với cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính do Ủy ban Pháp luật đề xuất: Khi tổ chức, cá nhân khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính mà người có thẩm quyền không giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà mà không cần khiếu nại tiếp lên cơ quan hành chính cấp trên. Người có thẩm quyền giải quyết lần đầu là cơ quan, cá nhân cấp trên trực tiếp của người có quyết định hành chính bị khiếu nại. Riêng đối với quyết định hành chính của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố mà bị khiếu nại thì chính những người này giải quyết lần đầu.
Chánh án Tối cao lo không gánh nổi việc khiếu kiện
Đề nghị xem xét đơn thư tố cáo nặc danh Dù không nằm trong nội dung thảo luận, nhưng đại biểu Nguyễn Đức Dũng đã đề nghị cần bổ sung quy định cơ quan tiếp nhận đơn thư khiếu nại cần xem xét các đơn thư tố cáo nặc danh. Có thể vì sợ bị trả thù, người tố cáo không ghi rõ danh tính. Nếu bỏ qua những thư này thì đã bỏ đi một nguồn tin quan trọng. Mặt khác, nếu không xem xét, nhân dân sẽ mất lòng tin. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cũng cho rằng thật đáng tiếc khi đã bỏ sót một nguồn tin quan trọng, đặc biệt trong đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí. "Tại sao ta chấp nhận tin báo qua điện thoại, internet, nhưng lại không chấp nhận đơn thư tố cáo nặc danh", ông Xuân đặt vấn đề. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu lên tiếng: "Luật khiếu nại tố cáo không đề cập đến đơn thư nặc danh, nhưng không có nghĩa bỏ qua loại đơn thư này". Ông Yểu cho biết năm 2006, đơn thư tố cáo nặc danh sẽ được xem xét trong quá trình làm Luật khiếu nại và Luật tố cáo. |
Nếu sửa đổi dự luật theo đề xuất trên thì tòa hành chính phải gánh thêm trách nhiệm. Điều này khiến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện không tránh khỏi lo lắng: "Hiện ngành tòa án giải quyết 22 loại vụ việc hành chính thuộc thẩm quyền, và hiện vẫn thiếu 1.000 thẩm phán. Nếu bây giờ gánh thêm việc xử lý mỗi năm hàng chục nghìn vụ án hành chính ở tất cả lĩnh vực thì rất khó". Ông Hiện đề nghị các đại biểu cần nghiên cứu kỹ yêu cầu của WTO và Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) vì họ chỉ đòi hỏi giải quyết khiếu nại hành chính bằng con đường tòa án trong lĩnh vực thương mại và sở hữu trí tuệ. "WTO chỉ đặt ra lộ trình, không yêu cầu ta phải sửa luật ngay", ông Hiện nói.
Không đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Đức Dũng thừa nhận đúng là tòa án hành chính sẽ tăng thêm đầu việc, nhưng không tạo ra gáng nặng cho ngành. Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng cho rằng cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho thẩm phán tòa hành chính huyện. "Đội ngũ này hiện rất yếu, không đủ năng lực và không đủ bản lĩnh để phán quyết công minh. Quyết định của tòa hành chính cấp huyện thường đồng nhất với phán quyết cơ quan hành chính cùng cấp. Thực tế này khiến người dân e ngại đi khiếu kiện", ông Nhượng nói.
Quy định rõ trách nhiệm của luật sư
Đa số đại biểu nhất trí với dự luật là phải có sự tham gia của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của luật sư, trách nhiệm của cơ quan hữu quan trong việc mời, tạo điều kiện cho luật sự thực hiện nhiệm vụ. "Đặc biệt cần quy định rõ luật sư được tham gia đến đâu, tránh tình trạng họ lợi dụng trục lợi", bà Khá nhấn mạnh.
Ủng hộ sự tham gia của luật sự, đại biểu Nguyễn Đức Dũng cho rằng dự luật cần quy định luật sự không chỉ có vai trò tư vấn pháp lý mà còn là người đại diện cho bên khiếu kiện. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân thì cho rằng cả bên bị khiếu nại cũng được nhờ luật sư với tư cách người đại diện cho mình để giải quyết vụ việc. "Một chủ tịch UBND huyện, tỉnh có bao nhiêu việc phải làm, nếu quy định như dự luật là phải gặp gỡ trực tiếp với người khiếu nại thì e rất khó khả thi", ông Xuân giải thích cho đề xuất của mình.
Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo sẽ được chỉnh lý và dự kiến thông qua trong kỳ họp này.
Như Trang