Nay con trai 4 tuổi, cô ấy muốn kết hôn với người khác. Tôi có thể giành quyền nuôi con không?
Luật sư tư vấn
Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, được giải quyết theo quy định của Luật này.
Nghĩa là, quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ với con là như nhau, không phân biệt có đăng ký hay không có đăng ký kết hôn.
Cô ấy dự định kết hôn với người khác mà việc nuôi con có thể bị ảnh hưởng, bạn có quyền thỏa thuận về việc để bạn trực tiếp nuôi con. Nếu hai bên không thỏa thuận được, bạn có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, bạn cần quan tâm đến nguyện vọng của con. Nếu bạn tiếp xúc với con quá ít (do điều kiện sinh sống ở nước ngoài) mà chưa thiết lập được tình cảm yêu thương, gần gũi thì đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bạn nhận nuôi con vì bất cứ lý do gì.
Thứ hai, trong trường hợp giấy khai sinh của con bạn khuyết cha, bạn cần phải thực hiện thủ tục nhận cha cho con trước khi khởi kiện tranh chấp việc nuôi con.
Thứ ba, theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Tòa án sẽ xem xét đến các yếu tố như thời gian có thể dành cho con, tư cách đạo đức, lối sống, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế, chỗ ở của cha, mẹ; độ tuổi, giới tính của con để quyết định việc giao con cho ai nuôi dưỡng. Do vậy, nếu yêu cầu tòa án giải quyết, bạn có nghĩa vụ chứng minh bạn có điều kiện tốt hơn nếu được trực tiếp nuôi con.
Thứ tư, trường hợp bạn được nuôi con (theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo quyết định của tòa án) mà sau đó bạn muốn đưa con ra nước ngoài sinh sống cùng bạn thì bạn phải được mẹ cháu bé đồng ý bằng văn bản có công chứng, chứng thực. Đây là điều kiện cần có khi bạn xin thị thực cho con bạn cũng như khi xuất cảnh.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội