Vài năm trở lại đây, Jillian Lau, 19 tuổi, sinh viên ngành Truyền thông và Quản lý phương tiện truyền thông tại Đại học Bách khoa Temasek, Singapore, đã tham gia thử thách "vòng eo A4".
Trào lưu này bắt nguồn từ Trung Quốc, thu hút hàng nghìn người. Theo đó, các cô gái sẽ đặt tờ giấy khổ A4 trước eo và nếu chúng che đi toàn bộ vòng hai, họ sẽ chiến thắng.
Lần đầu tham gia thử thách năm 13 tuổi, Lau nhớ cảm giác hạnh phúc khi đạt tiêu chuẩn. Giống như nhiều người khác, cô chụp hình và khoe lên trang cá nhân với niềm hãnh diện. Nhưng ba năm sau thử lại, Lau lại nhận về cảm giác tuyệt vọng. Vòng eo của cô lấp ló sau tờ giấy A4 có chiều rộng 21 cm, khiến cô không tự tin chụp ảnh, nhất là trong xã hội cho rằng phải sở hữu vóc dáng thon thả, vòng hai siêu nhỏ mới đẹp và quyến rũ.
Điều này khiến Lau thấy xấu hổ khi biết mình không còn sở hữu vòng eo như năm 13 tuổi. Một thời gian dài sau đó, cô ép bản thân phải giảm cân để phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp.
![Jillian Lau, 19 tuổi, đang theo học ngành truyền thông và quản lý phương tiện truyền thông tại Temasek Polytechnic từng bị ám ảnh bởi vòng eo con kiến. Ảnh: Today/Nuria Ling](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/11/12/20221005-nlx-gen-y-jillian-lau-6670-5753-1668249458.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M7Yos3pDKDcGEmI-gkK8Ug)
Jillian Lau, 19 tuổi, đang theo học ngành truyền thông và quản lý phương tiện truyền thông tại Temasek Polytechnic từng bị ám ảnh bởi vòng eo con kiến. Ảnh: Today/Nuria Ling
Nhiều thanh thiếu niên như Lau không nhận thấy việc phấn đấu để có vòng eo dưới 21 cm là điều không lành mạnh, dễ dẫn đến những vấn đề sức khỏe như chán ăn, rối loạn tiêu hóa.
Tuy nhiên vòng eo A4 không phải trào lưu đầu tiên hay cuối cùng áp đặt cho suy nghĩ "càng gầy càng đẹp" của người trẻ.
Gần đây, cụm từ liên quan đến "heroin chic body" (cơ thể siêu gầy sang trọng) của thập niên 90 đang trở nên thịnh hành trên TikTok. Nhiều báo cáo gần đây cho thấy việc các ngôi sao liên tục chia sẻ các chế độ ăn kiêng quá mức tác động xấu đến người theo dõi. Một trong số đó là Kim Kardashian - ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ, từng nổi tiếng với đường cong đầy đặn nhưng nay ăn kiêng để có thân hình gầy lộ xương.
Tháng 5/2022, cô gái này từng khoe trên mạng xã hội về chế độ ăn kiêng khắc nghiệt giúp giảm 16 kg. Bất chấp lời khuyên không nên giảm cân, Kim vẫn duy trì chế độ ăn kiêng, cố lộ ra xương sườn, vòng eo con kiến hay mặt hóp lại trong các sự kiện tiếp theo. Hình ảnh mới của Kim dễ khiến 330 triệu người theo dõi cô trên trang cá nhân học theo.
Hay trào lưu "body check" (kiểm tra cơ thể) bị chỉ trích độc hại nhưng vẫn lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Trong các video, mọi người kiểm tra cân nặng, vóc dáng của bản thân và khoe từng phần xương nhô ra như một thành tích.
Tiến sĩ Allison Chase, nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc khu vực của Trung tâm Phục hồi Ăn uống Pathlight ở Texas (Mỹ), cho biết có nhiều video đáng lo ngại khác liên quan đến các xu hướng và thách thức body check.
Tara Gordon, chủ sở hữu trung tâm thể dục 212 Pilates ở New York (Mỹ) cho biết số người đăng ký tiếp tục tăng kể từ khi các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ. Lớp học của cô tăng gấp đôi quy mô vào cuối tháng 10, khi nhiều phụ nữ mong muốn trong mảnh mai, gầy và dễ nhìn hơn.
Kimberly Nicole Fosyet, nhà phê bình văn hóa cho rằng những người như Kim có dư điều kiện để thuê huấn luyện viên sức khỏe hoặc phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình. Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện và kết quả là họ dễ ám ảnh với cơ thể của chính mình. Thậm chí, để sở hữu vóc dàng gầy, nhiều người đã thực hiện các biện pháp không lành mạnh, thậm chí bỏ đói chính mình.
![Ngày càng nhiều người trẻ bị ám ảnh cân nặng do ảnh hưởng bởi người nổi tiếng và mạng xã hội. Ảnh minh họa: BBC](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/11/12/p02vhs7z-jpeg-8002-1668249458.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YxPG4uAG3vJvWODnnEFtPg)
Ngày càng nhiều người trẻ bị ám ảnh cân nặng do ảnh hưởng bởi người nổi tiếng và mạng xã hội. Ảnh minh họa: BBC
Trước thực trạng trên, một số bậc phụ huynh khuyên con cái nên đăng xuất hoặc xóa các tài khoản trên Instagram hoặc TikTok để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Đây cũng là điều mà một số bạn bè của Lau đã làm nhằm hạn chế tiếp xúc với các nền tảng độc hại.
Nhưng đây có phải giải pháp khả thi trong xã hội hiện đại vẫn còn là câu hỏi lớn. "Tôi hy vọng các nền tảng mạng xã hội sẽ đưa ra các giải pháp giúp giải tỏa sự lo lắng về cơ thể của thanh thiếu niên. Nhưng thú thực, tôi thấy thất vọng khi xem các báo cáo cho thấy các công ty truyền thông xã hội đã nhận thức được tác động tiêu cực của họ gây ra với người trẻ nhưng lại không làm gì", cô nói.
Năm ngoái, tờ Wall Street Journal đã đưa tin nhóm nghiên cứu từ Instagram phát hiện các vấn đề nghiêm trọng khi nền tảng này làm trầm trọng thêm các vấn đề về hình ảnh cơ thể. Hay nghiên cứu tại Singapore của Milieu Insight hồi tháng 8 cũng kết luận, cứ 6 người trưởng thành của nước này lại có một trường hợp ám ảnh cân nặng của cư thể. Đáng chú ý, nhóm người dành hơn 3 tiếng lướt Tiktok và Instagram mỗi ngày có nguy cơ ảnh hưởng cao nhất.
Trên thực tế, mạng xã hội đã nhấn chìm thế hệ thanh thiếu niên vào một bể chứa hỗn độn của các vấn đề về sự tự tin, lòng tự trọng trong khi nhiều công ty đang hưởng lợi từ sự bất an này. Lau cho rằng các nhà quản lý cần phải làm nhiều điều hơn giúp người trẻ phục hồi sự tự tin của bản thân, để thế hệ tương lại không bị tác động tiêu cực từ mạng xã hội.
Minh Phương (Theo Today, NyPost)