- Thông tin nhiều cá nhân bỗng dưng mắc nợ hàng tỷ đồng ngay lần đầu tiên gõ cửa ngân hàng vay tiền khiến nhiều người dân lo lắng. Là người có kinh nghiệm thụ lý nhiều vụ án quan trọng liên quan đến rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng, ông có bình luận gì?
- Trước hết cần khẳng định những trường hợp như thế này không thể xảy ra một cách phổ biến, người dân nên biết để tham khảo chứ không nên quá hoang mang. Trên thực tế, để một khoản vay được giải ngân, ngân hàng có rất nhiều bộ phận để kiểm soát, giám sát. Cán bộ tín dụng chỉ là khâu đầu tiên tiếp cận khách hàng, sau đó sẽ có bộ phận kiểm soát. Đến khi chuyển tiền cho khách còn có bộ phận kiểm soát giải ngân.
Nếu để lọt qua cả 3 bộ phận này thì vụ việc thực sự phải có dấu hiệu gì đó. Khi đó có thể nghi vấn cán bộ ngân hàng thông đồng với nhau, cố ý tư lợi làm sai quy trình cùng nhau. Những vụ việc xảy ra thường rơi vào cán bộ ngân hàng có yếu tố trục lợi chứ thực tế quy trình của hệ thống ngân hàng khó mà thâm nhập được. Nói gì thì nói, ngân hàng dù sao cũng là môi trường có quy trình hoàn thiện nhất nếu so với các loại hình doanh nghiệp khác.
- Nếu quy trình của ngân hàng là chặt chẽ thì tại sao lại xảy ra trường hợp tự dưng có khoản nợ trên đầu, thưa ông?
- Khi cho vay, việc đầu tiên là ngân hàng phải thẩm định thông tin của khách. Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước cũng như hầu hết quy trình nội bộ của các nhà băng đều quy định cán bộ tín dụng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định khách hàng.
Ngay khâu tiếp nhận hồ sơ, cán bộ phải đối chiếu thông tin về nhân thân. để kiểm tra đúng là mình đã giao dịch với đối tượng cá nhân đó. Đồng thời kiểm tra các yếu tố về tài sản, thu nhập, thông tin liên quan để đảm bảo vấn đề cốt lõi nhất là giao dịch thực với khách hàng. Việc này còn nhằm đảm bảo đồng tiền đi ra khỏi ngân hàng sẽ quay về đúng thời hạn.
Như vậy, nếu người dân đột nhiên phát hiện mình có dư nợ ở ngân hàng dù chưa từng vay mượn, có thể khẳng định các nhân viên đã không đảm bảo tối thiểu quy định của pháp luật. Khả năng một là có đối tượng giả danh để giao dịch, khả năng 2 là chính cán bộ ngân hàng đã làm hồ sơ khống sai quy trình, không có khách hàng. Trong cả 2 trường hợp, lỗi đều thuộc về ngân hàng và cán bộ tín dụng phụ trách hồ sơ.
- Theo ông trách nhiệm của ngân hàng trong trường hợp này như thế nào?
- Chủ yếu các sai sót xảy ra trong quá trình tác nghiệp và có rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng. Thời gian qua, do đà tăng trưởng nhanh của ngân hàng mà kéo theo đó là lượng nhân sự được hệ thống tuyển vào cũng ồ ạt. Chỉ trong 10 năm qua, số lượng nhân viên của hệ thống cũng tăng bình quân trên 10 lần. Vì thế mà nhiều người có thể dễ dàng được giao các trọng trách quan trọng quá sớm.
Bản thân các ngân hàng cũng cần xem lại chính sách cho vay tiêu dùng mà họ triển khai rầm rộ trong thời gian qua. Đặc trưng của sản phẩm này là cho vay dễ dàng, thuận tiện về mặt quy trình nhưng ngược lại cũng sẽ gây ra nhiều rủi ro. Ngoài ra, ngân hàng cũng không thể bỏ ngỏ việc kiểm soát nhân sự thông qua đào tạo, giám sát.
Cái quan trọng nhất của các ngân hàng là yếu tố nhân sự. Sản phẩm cho vay không có lỗi, quy trình không có lỗi mà lỗi là do con người.
- Ông nhìn nhận việc pháp luật bảo vệ quyền của khách hàng trong trường hợp như thế nào bởi nhiều người dân cho rằng tại sao họ lại vất vả đi kiểm tra ở CIC xem mình có mắc nợ không trong khi không hề vay?
- Hiện tượng này tôi nhắc lại nếu có cũng là hy hữu. Nhưng nếu gặp phải, về mặt nguyên tắc, người dân có quyền khiếu kiện lên ngân hàng để làm rõ sự việc, nếu cần thì lên cơ quan tòa án xác minh. Qua đó, người dân không chỉ yêu cầu khôi phục danh dự, xóa thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) mà có thể đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại vi phạm nhân thân. Pháp luật hoàn toàn có cơ chế này để bảo vệ họ.
Tuy nhiên, cần nhắc tới vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp này. Từ trước đến nay, các hoạt động cho vay đều dựa trên quy chế 1627 - quy chế cho vay căn bản ban hành từ năm 2001 điều hành mọi hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đến nay quy chế này đã không còn phù hợp với quy mô hoạt động ngày càng đa dạng của các ngân hàng.
Chưa kể, hình thức cho vay tiêu dùng đang bùng nổ. Sản phẩm vay này cần thông thoáng hơn, khác với cho vay đầu tư, vay dự án nên Ngân hàng Nhà nước cũng không nên chỉ áp dụng một quy chế chung
- Theo ông, làm sao để người dân, doanh nghiệp không rơi vào trường hợp trớ trêu này?
- Ngoài những rủi ro từ phía ngân hàng hay những đối tượng lừa đảo, bản thân mỗi khách hàng nên chủ động kiểm soát rủi ro bằng cách tự kiểm tra thông tin tín dụng của mình trên CIC. Bên cạnh đó, người dân cần bảo mật thông tin cá nhân (từ chứng minh nhân dân đến thông tin nhân thân, số tài khoản ngân hàng, thẻ...). Ngoài ra, nếu đã mở thẻ tín dụng hay có quan hệ vay nợ với ngân hàng, bạn cần lưu ý kỹ thời hạn cũng như số tiền thanh toán để tránh việc vì trả chậm một vài ngày, trả thiếu vài chục nghìn đồng mà có lịch sử tín dụng xấu trên CIC.
Thanh Thanh Lan