- Ông đánh giá như thế nào về 6 tiếng cứu hộ cứu nạn của lực lượng chức năng trong vụ sập căn nhà 15m2 ở phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khiến 2 cháu bé tử vong?
- Đứng ở góc độ những người làm công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), chúng tôi rất chia sẻ với các đồng nghiệp ở Hà Nội. Chúng tôi không muốn bàn tới việc chậm hay không, vì điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ địa hình hiện trường, trang thiết bị cũng như kinh nghiệm của những người làm công tác cứu nạn. Nhưng theo tôi, nếu được trang bị tốt hơn, hiện đại hơn, lực lượng PCCC ở Hà Nội có thể sẽ mất ít thời gian hơn trong việc tìm kiếm nạn nhân.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM. Ảnh: H.C. |
- Tham gia cứu hộ trong vụ sập nhà là lực lượng PCCC của 2 quận Hoàng Mai và Hoàn Kiếm chứ không phải lực lượng của thành phố. Tại TP HCM, lực lượng giải cứu được phân chia như thế nào, thưa ông?
- Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội mới được thành lập từ tháng 7/2011, vì vậy có lẽ chưa kịp có phòng cứu hộ cứu nạn và xây dựng lực lượng độc lập. Những chiến sĩ cứu hỏa đồng thời cũng đảm nhận nhiệm vụ cứu nạn. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cứu nạn phải qua quá trình đạo tạo riêng, vì công tác này có những đặc thù khác với chữa cháy đơn thuần.
Ở TP HCM, những chiến sĩ PCCC đồng thời được đào tạo nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn và cũng đã có nhiều kinh nghiệm từ thực tế. Khi nhận được tin báo, trong 5-10 phút, lực lượng PCCC quận, huyện sẽ phải có mặt tại hiện trường đồng thời báo ngay cho Sở PCCC để có phương án cứu hộ, cũng như cho lực lượng xuống tiếp ứng.
- TP HCM vốn có nhiều căn nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo, công tác cứu hộ, chữa cháy của lực lượng thành phố diễn ra như thế nào?
- Hiện tại TP HCM được trang bị 5 xe cứu hỏa thế hệ 17 được xem là hiện đại nhất nước và có tính cơ động cao đối với địa hình có nhiều hẻm sâu, nhỏ như TP HCM. Nhưng đối với những hẻm chừng 1 m, chúng tôi chỉ có thể đưa các dụng cụ chuyên dụng vào thôi.
Ngoài những trang thiết bị cần thiết như máy khoan cắt bêtông, máy cưa đa năng (cưa đá, sắt, thép…), máy cắt thủy lực mà kìm cộng lực không cắt được, túi khí nâng vật nặng khoảng 15 tấn, chúng tôi còn có camera dò tìm nạn nhân trong công trình sập đổ… Camera dò tìm là thiết bị mới được áp dụng tại TP HCM trong hai năm nay và đã phát huy tác dụng ở nơi mà nhân viên cứu hộ không vào được. TP HCM cũng trang bị một đội ca nô để phục vụ công tác cứu nạn dưới nước. Và đang đóng thêm chiếc tàu cỡ trung bình nữa để hỗ trợ cứu hộ trên sông, biển. Trong đề án của Bộ Công an đã có đề xuất mua thêm các máy bay trực thăng chuyên dụng phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn.
Tuy nhiên, tùy theo hiện trường xảy ra mà đội cứu hộ phải tính toán phương án, lựa chọn thiết bị để triển khai sao cho việc tìm kiếm nạn nhân nhanh nhất, hiệu quả nhất.
- Theo ông, khó khăn nhất trong công tác cứu hộ cứu nạn khi xảy ra sự cố sập nhà, công trình là gì?
- Cái khó nhất là những sự cố sập công trình lớn thường có sự kết dính cao. Khối lượng bê tông rất lớn, nặng hàng chục tấn, tác nghiệp không khéo sẽ gây sụp đổ dây chuyền, chẳng những không cứu được người mà sẽ có thêm nhiều nạn nhân khác.
Vấn đề thứ hai là trang thiết bị phục vụ công tác cứu nạn. Các sự cố tai nạn rất đa dạng, phức tạp, mỗi trường hợp đều khác nhau. Vì vậy, thiết bị chuyên dụng cũng cần phải được trang bị đa dạng, nhiều chủng loại để dùng trong bất cứ trường hợp nào. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ nên gây nhiều khó khăn cho công tác cứu nạn.
- Luật quy định như thế nào khi xảy ra sự cố mà cần phải phá bỏ công trình, nhà cửa để phục vụ việc cứu người?
- Theo khoản 1, điểm D, điều 38 Luật PCCC có quy định rõ, người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có quyền quyết định phá dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, việc có phá dỡ các vật cản này hay không là do kinh nghiệm và sự quyết đoán của người chỉ huy. Nếu thấy việc phá bỏ công trình, nhà cửa là cần thiết phục vụ cho việc cứu nạn, chỉ huy hoàn toàn có quyền quyết định trong trường hợp này.
- Ông nhìn nhận thế nào về lực lượng PCCC của TP HCM hiện tại?
- Trước năm 2006, khi còn là Phòng Cảnh sát PCCC thuộc Công an TP HCM, đã có một đội cứu nạn thuộc Phòng hướng dẫn chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Từ 10/2010, lực lượng này được tách ra, có lãnh đạo riêng, nhân sự riêng gồm một đội cứu nạn trên cạn và một đội cứu hộ cứu nạn dưới nước. Nếu nói hiện đại thì thật sự chưa bằng lực lượng của các nước trên thế giới, nhưng do đội được thành lập cách đây cũng khá lâu, tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên việc tác nghiệp ở hiện trường có lẽ cũng sẽ tốt hơn những địa phương khác. Vì vậy, khi các địa phương, nhất là những nơi mới thành lập nếu cần chia sẻ kinh nghiệm chúng tôi rất sẵn sàng.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường vụ sập nhà làm chết 2 em bé ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Một phần rất lớn người dân hiện nay vẫn chưa biết khi xảy ra sự cố tai nạn như sập nhà, điện giật thì phải gọi cho ai?
- Tất cả các lực lượng PCCC đều có 2 chức năng là chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Khi xảy ra sự cố người dân cần gọi ngay số 114 của đơn vị cứu hỏa. Khi nhận được tin báo, đơn vị địa phương sẽ điều lực lượng có mặt ngay tại hiện trường, đồng thời báo cáo với cấp chỉ huy thành phố.
Nhân đây, tôi cũng nhờ VnExpress thông tin đến cho người dân, khi xảy ra tai nạn, sập nhà, công trình, điện giật, đuối nước... cần gọi ngay cho số 114 chứ không phải 113 như người dân vẫn quen dùng.
Sáng ngày 3/11, khí gas phát nổ khiến ngôi nhà 2 tầng một tum ở đường Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đổ sập toàn bộ tum và tầng 2. Hai cháu bé một trai, một gái con chủ nhà bị vùi lấp trên tầng 2 của căn nhà 15m2. Sau 6 giờ, lực lượng cứu hộ mới đưa được các cháu ra khỏi đống đổ nát nhưng hai cháu đã tử vong. |
Hữu Nguyên thực hiện