Gần đây, vấn đề bạo lực học đường đang trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Những vụ việc này xảy ra ngày một nhiều hơn, hình thức đa dạng và tính chất cũng phức tạp hơn. Chỉ riêng chuyện bạn bè trong lớp "xử" nhau cũng đủ khiến nhiều cha mẹ lo ngại.
Một nữ sinh ở trường THPT Trần Nhân Tông - Hà Nội đã lời qua tiếng lại với bạn vì bạn vô tình giẫm lên chân mình mà không xin lỗi. Chuyện tưởng chỉ dừng lại ở thái độ giận nhau, không ngờ, cô bạn "đầu gấu" kia đã kéo cả một đám bạn đến đánh đập, làm nhục nạn nhân rồi quay video clip tung lên mạng thay cho lời xin lỗi.
Nhiều em nhỏ cũng đang dần bị nhiễm hành vi bạo lực này. Câu chuyện của các học sinh lớp 4B Trường Tiểu học Phú Lộc A (ấp Cây Điều, Phú Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long) đến giờ vẫn khiến nhiều người nhắc lại. Dù chỉ là những đứa con nít, vậy mà một nhóm 4 bé đã biết "tổ chức" đánh 14 bạn học của mình trong suốt mấy tháng trời. Ngày nào cũng vậy, trong 15 phút đầu giờ buổi học khi thầy cô chưa vào là một, hai em trong nhóm "côn đồ" này được giao nhiệm vụ canh cửa, các thành viên còn lại thi nhau "xuống tay" với bạn mình.
Mỗi lần đánh như vậy, các nạn nhân phải lãnh đủ 50 roi. Nếu không thì sẽ bị hăm dọa, xé sách vở, chọc thủng lốp xe... Thậm chí, các bé gái cũng phải chịu đòn. Tất cả đều không dám khóc, không dám mách cha mẹ hay thầy cô và không dám phản kháng. Nhóm "đầu gấu" này còn khống chế được cả những học sinh ở các lớp xung quanh. Thế nên, việc bạo hành diễn ra suốt một học kỳ mà nhà trường và phụ huynh đều không hề hay biết.
Các bé mẫu giáo cũng bắt nạt nhau
Bắt nạt là một hành vi tiêu cực được lặp đi lặp lại để lợi dụng một người yếu hơn và đôi khi làm cho chính nạn nhân cảm thấy có lỗi. Đánh, đấm, chửi rủa, dọa nạt, xa lánh, tẩy chay cô lập hoặc làm nhục, bêu riếu những nhược điểm của người khác đều là những hình thức bắt nạt. Thậm chí kẻ bắt nạt còn hay lợi dụng điểm yếu của đối phương để đe dọa, bắt ép người khác làm những việc gì đó mà họ không muốn...
Hành vi bắt nạt trường học thường xuất hiện từ rất sớm, kể cả ở độ tuổi mầm non. Bắt nạt cũng là một vấn đề đáng lo ngại, bởi lẽ nạn nhân của những hành vi này không bị đau đớn nhiều về thể xác nhưng rất dễ tổn thương về tinh thần. Đôi khi chỉ là chuyện đặt biệt danh mà đứa trẻ có thể bị ám ảnh suốt đời.
Cô Nguyễn Hoài Linh, giáo viên một trường mầm non ở Nhà Bè (TP HCM) cho biết đôi khi, trong lớp có một bé nào đó muốn làm đại ca để sai vặt các bạn, bắt các bạn phải nộp đồ chơi, thức ăn cho mình. Những bé này thường là bé trai, và to khỏe, bạo dạn hơn các bạn khác. Thậm chí các bé gái cũng có thể bắt nạt nhau, nhưng mức độ ít hơn. Các bé bị bắt nạt thường tỏ thái độ e dè và sợ sệt, nhiều khi không dám đến lớp. "Bởi vậy trong quá trình dạy, chúng tôi luôn chú ý nhằm phát hiện những hành vi không hay này để chỉnh đốn các bé ngay từ đầu", cô giáo nói.
Chị Phương Nga (chung cư Nam Long, quận 7, TP HCM) kể chị thấy con gái thường xuyên mang đồ chơi, kẹo bánh nói là để tặng bạn Bin cùng lớp, tưởng chúng chơi thân, quý mến nhau nên trêu con, gặng hỏi. Không ngờ con hồn nhiên: "bạn Bin là thủ lĩnh, ai cũng phải cho bạn ấy đồ chơi và thức ăn, nếu không bạn ấy sẽ đánh".
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Dung ở Khu tập thể Cao su Sao Vàng, Thanh Xuân, Hà Nội, lại thắc mắc tại sao dạo gần đây con không thích đi lớp, dù trước đó bé rất hứng thú. Thậm chí, bé về nhà cứ khóc bắt đền mẹ làm bé sún răng. Hỏi ra mới biết ở lớp, bé bị các bạn gọi là Sún, và thường xuyên "lêu lêu", thậm chí đồng thanh gọi cái biệt danh mà bé không thích tí nào. Chị đã phải kiên nhẫn an ủi, giải thích cho con rằng: Răng sẽ thay cái mới đẹp hơn, chỉ cần con chịu khó đánh răng và không ăn nhiều kẹo. Đồng thời, chị cũng phải lên tận lớp để dặn các bé khác không được trêu con mình như thế nữa.
Tuy nhiên, có vẻ như các ông bố coi những chuyện này bình thường hơn. Anh Minh Tiến (Chung cư Thủ Thiêm Xanh, quận 2, TP HCM) có cậu con trai 4 tuổi, bày tỏ: "Theo tôi, chuyện trẻ con trêu chọc, xô xát, thậm chí đánh nhau thì cũng bình thường. Mình không thể phòng tránh hay ngăn cấm được. Thế nhưng, quan trọng bố mẹ phải xem xét mức độ nghiêm trọng và tính chất vụ việc để xử lý kịp thời".
Anh kể, có lần đón con, thấy con nổi một cục u tím bầm ở trán, hỏi cô giáo thì biết con và bạn chơi đùa, xô đẩy nhau. Cậu bé kia to con hơn nên đã đẩy con anh té. Con trai anh cũng tường thuật lại tương tự, xét thấy chỉ là chuyện chơi đùa của trẻ con, nên anh bỏ qua. Nhưng lần khác, con chỉ bị xước một chút xíu ở mặt nhưng là do một bạn trong lớp cố tình gây ra, chưa kể đây không phải lần đầu tiên con anh và bạn bè cùng lớp bị cậu bé lì lợm này bắt nạt. Anh đã phải gặp trực tiếp bố mẹ của "đại ca nhí" để thông báo cho họ dạy dỗ con, nếu không anh sẽ phải trực tiếp dạy dỗ hộ.
Bắt nạt bạn bè là hiện tượng phổ biến đối với nhiều trẻ nhỏ và trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hơn một nửa trẻ bị bắt nạt trong những năm học ở trường. Việc bắt nạt bạn bè đồng trang lứa tại trường để lại nhiều hậu quả như: nạn nhân sẽ bị tự kỷ, tổn thương lòng tự trọng, chúng sẽ cảm thấy cô đơn hơn, trở thành một kẻ phục tùng và hay bị bất an hơn những đứa trẻ khác.
Theo Gia đình và xã hội