Tại cuộc họp báo chiều 5/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đánh giá các địa phương cho học sinh nghỉ học những ngày qua rất cần thiết, giúp nhà trường có thời gian vệ sinh, tẩy trùng trường lớp. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tính toán bù đắp chương trình khi học sinh nghỉ kéo dài.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, trong kế hoạch năm học, mỗi kỳ Bộ đều dành một tuần để học sinh có thể học bù. Học sinh học sáng có thể học bù chiều hoặc thứ bảy, chủ nhật. "Nếu vì dịch bệnh mà phải kéo dài thời gian nghỉ thì khung thời gian năm học có thể kéo dài hơn, sau ngày 31/5. Kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6 hàng năm có thể điều chỉnh lịch thi để phù hợp với tình hình mới", ông Độ nói.
Thứ trưởng Độ nhấn mạnh, tinh thần là học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảm bảo được chương trình giáo dục, chất lượng giáo dục, bên cạnh đảm bảo an toàn sức khoẻ cho các em. Việc nghỉ học hay đi học xuất phát từ tình hình dịch và đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch tỉnh là người quyết định.
Đến nay 62 tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ học từ ba ngày đến một tuần để phòng chống dịch do virus corona, trừ Bến Tre. Trước đó dịp Tết Canh Tý, học sinh đã nghỉ học từ 7 đến 16 ngày.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian tựu trường sớm nhất của học sinh từ mầm non tới THPT và giáo dục thường xuyên là 1/8, khai giảng vào 5/9. Thời gian kết thúc học kỳ I là 20/1, học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học trước 31/5.
Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 31/7. Riêng kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia thực hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ.
Các địa phương xây dựng kế hoạch học tập, đảm bảo số tuần thực học trong năm đối với cấp mầm non và tiểu học ít nhất là 35, cấp THCS và THPT ít nhất là 37; giáo dục thường xuyên (THCS và THPT) ít nhất 32 tuần.