Rapamycin - chất sinh hóa do vi khuẩn trong đất tạo ra ở một hòn đảo của Thái Bình Dương - có khả năng tiêu diệt nấm mốc và làm chậm quá trình lão hóa. Hợp chất này được phát hiện trên đảo Easter (thuộc Chile) lần đầu tiên vào thập niên 70. Ngày nay rapamycin được dùng làm thuốc chống đào thải và chống tắc nghẽn động mạch vành trong những ca cấy ghép cơ quan nội tạng. Thậm chí nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu khả năng điều trị ung thư bằng rapamycin.
Các chuyên gia của Viện nghiên cứu tuổi thọ và hiện tượng lão hóa Barshop (Mỹ), cho chuột ăn rapamycin và nhận thấy tuổi thọ trung bình của chúng tăng rõ rệt (28% với con đực và 38% với con cái). Những con chuột ăn rapamycin khi chúng được 20 tháng tuổi - tương đương 60 tuổi ở người. Các nhà nghiên cứu cho rằng hợp chất này có khiến tuổi thọ của con người tăng đáng kể nếu họ không bị ung thư hoặc bệnh tim.
Đảo Easter của Chile ở phía nam Thái Bình Dương là nơi duy nhất các nhà khoa học tìm thấy chất paramycin. Ảnh: pacificislandtravel.com. |
Tiến sĩ Arlan Richardson, giám đốc Viện nghiên cứu tuổi thọ và hiện tượng lão hóa Barshop, phát biểu: "Tôi đã nghiên cứu về lão hóa suốt 35 năm và chưa phát hiện bất kỳ chất nào có khả năng làm chậm quá trình lão hóa một cách hiệu quả. Vì thế tôi nghĩ tôi sẽ chẳng có cơ hội nhìn thấy thuốc kéo dài tuổi xuân trong phần đời còn lại, nhưng rapamycin khiến tôi thay đổi suy nghĩ ấy".
Theo Richardson, hợp chất rapamycin kiềm chế hoạt động của mTOR - một enzyme điều khiển quá trình sản xuất protein và trao đổi chất của tế bào. Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh rằng việc giảm hoạt động của mTOR khiến tuổi thọ của ruồi, lúa mạch và giun tròn tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, tác động kéo dài tuổi thọ của ramamycin chưa từng được kiểm chứng ở động vật có vú. Từ trước tới nay cách duy nhất để tăng tuổi thọ của chuột là buộc chúng ăn uống kham khổ.
Giáo sư Randy Strong, một nhà khoa học của Đại học Texas, phát biểu: “Chúng tôi tin đây là bằng chứng đáng thuyết phục đầu tiên về việc quá trình lão hóa có thể bị kìm hãm và tuổi thọ có thể được kéo dài thêm bởi một loại thuốc”.
Nhiều nhà khoa học tỏ ra thận trọng về tác dụng của rapamycin. Tiến sĩ Lynne Cox, một chuyên gia về lão hóa của Đại học Oxford (Anh), nói: “Thật thú vị khi biết rapamycin phát huy tác dụng ngay cả khi chuột đã già. Điều đó cho thấy con người không phải dùng thuốc cả đời, mà chỉ cần uống khi tuổi xuân đã qua. Thế nhưng tôi lo ngại con người sẽ phải trả một cái giá nào đó để tăng tuổi thọ, vì rapacymin làm suy giảm khả năng miễn dịch”.
Minh Long (theo Telegraph)