Cũng theo ông Quốc, mức xử lý như trên đối với 2 ông Thanh và Phương (trưởng, phó công an xã) là phù hợp vì các cán bộ này chỉ làm sai quy trình và "không gây hậu quả nghiêm trọng, không cần thiết phải xử lý hình sự". Tuy nhiên, phía chính quyền xã cho biết là cần phải họp hội đồng kỷ luật mới có quyết định chính thức nên hiện tại vẫn chưa có kết luận cuối cùng. "Đáng lẽ với sự việc nhỏ như thế này, phía nhà trường nên mời gia đình học sinh lên giải quyết. Còn nếu phía công an đã tiếp nhận thì khi làm việc phải có người giám hộ cho cháu bé", ông Quốc nêu.
![]() |
Anh Được (bố của cháu bé) và bé Trâm trước bệnh viện Tâm thần TP HCM sáng 10/4. Ảnh: An Nhơn. |
Trao đổi với VnExpress, bà Ninh Thị Hồng, Chánh thanh tra Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em trung ương, cho biết, hôm nay vẫn chưa nhận được thông báo bằng văn bản của các đơn vị liên quan về vụ việc. Ủy ban này mới theo dõi thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng là chính. "Việc làm của đại diện trường và công an xã đã phạm quyền trẻ em nhưng vì chưa rõ các hành vi cụ thể với em Trâm thế nào nên chưa thể xác định mức độ vi phạm ra sao", bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, những đơn vị trực tiếp giải quyết vụ việc hiện nay là UBND xã, nơi em Huỳnh Thị Ngọc Trâm sinh sống và ngành giáo dục địa phương. Nếu các đơn vị giải quyết chưa thỏa đáng, Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em sẽ có kiến nghị. Bà Hồng cũng cho biết, đã trao đổi với đơn vị trực thuộc tại Đồng Tháp, yêu cầu giám sát quá trình làm việc của cấp ngành chức năng và động viên tinh thần cháu Trâm.
Còn theo ông Trần Minh Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em tỉnh Đồng Tháp, tuần trước, Giám đốc Sở Giáo dục, Phó Giám đốc Sở công an và Chủ tịch UBND huyện Châu Thành đã tới thăm em Trâm. Chủ tịch UBND huyện Châu Thành nhận thiếu sót trước gia đình Trâm, vì sự việc xảy ra 20 ngày nhưng các đơn vị liên quan tại địa phương giải quyết còn chậm.
Ông Hồng cho biết thêm, Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em tỉnh cũng đã cử nhân viên Trung tâm tư vấn trực thuộc đến thăm hỏi Trâm. Tình trạng sức khỏe hiện nay của Trâm có thể do bị sốc tâm lý. " Chúng tôi vẫn theo dõi quá trình giải quyết vụ việc của chính quyền địa phương, nếu có vấn đề chưa thỏa đáng, sẽ tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo thêm", ông Hồng nói.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Trưởng văn phòng luật sư Nghiêm và Chính: Việc truy cứu trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự đối với trẻ em phạm pháp, phải theo quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên. Giả sử, em Trâm có lấy số tiền trên và ngay cả khi bắt quả tang, thì không ai được đưa em đến công an, và bất luận trong trường hợp nào thì cũng không được hỏi cung em để lấy lời khai, điều tra viên hình sự cũng không có quyền làm như vậy. Ngoài ra, luật quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi, và trong mọi trường hợp đều phải có người giám hộ. Nếu là vụ việc dân sự, thì người giám hộ sẽ chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do ngưòi chưa thành niên gây ra. Nếu là vụ án hình sự, thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp em Trâm có lỡ dại lấy số tiền trên, em vẫn chưa đủ tuổi để bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy việc hiệu trưởng yêu cầu đưa em đến công an xã cũng như việc hỏi cung, lập biên bản của cán bộ công an là vi phạm pháp luật. |
Bé Trâm sẽ được trị khỏi
Bác sĩ điều trị cho bé Trâm, bà Phạm Quỳnh Diệp - Trưởng khoa khám tâm thần - thần kinh trẻ em, bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết, nếu có sự phối hợp điều trị tốt thì cháu có thể dần hồi phục sau một đến hai tháng.
Bác sĩ Diệp cho biết, lần tái khám sáng nay là lần thứ 3 của Trâm tại Bệnh viện. "Trong lần trước, cháu đã có những dấu hiệu ổn định. Thế nhưng, sáng nay tình hình của cháu lại có những biểu hiện nặng hơn như không chịu tiếp xúc, la khóc, cào xé mọi người. Khó mà khẳng định về thời gian hồi phục hoàn toàn trong các ca bệnh về tâm lý, nhưng đối với những trường hợp như Trâm, nếu có sự phối hợp điều trị tốt thì cháu có thể dần hồi phục sau một đến hai tháng", bác sĩ Diệp khẳng định.
Bác sĩ Diệp cũng cảnh báo, việc tiếp xúc và khai thác thông tin quá nhiều ở cháu sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị. Vấn đề quan trọng nhất trong việc phục hồi của Trâm lúc này là tránh những căng thẳng, những "cú sốc" tiếp theo. Chính vì thế, cháu cần được yên tĩnh phối hợp điều trị giữa các biện pháp tâm lý và thuốc men cũng như bồi bổ sức khỏe trong ăn uống, nghỉ ngơi.
Mẹ của Trâm, chị Nguyễn Thị Nga, cho hay, sau khi đưa Trâm từ Bệnh viện Tâm thần TP HCM về, gia đình thấy cháu chưa có gì thuyên giảm. Bé ăn uống rất ít, tỏ ra hoảng sợ, có lúc xông vào đánh đập mọi người, khi ngủ cháu hay thức dậy hét thật to. Trước tình cảnh đó gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và được chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh. "Hôm qua bệnh viện Đa Khoa tỉnh yêu cầu chúng tôi chuyển bé đến bệnh viện Biên Hòa (Đồng Nai). Nhưng vì xa xôi quá, gia đình đành đưa cháu lên bệnh viện Tâm thần TP HCM để tái khám theo hẹn", chị Nga đau khổ cho biết.
Anh Huỳnh Văn Mười, bố bé Trâm cho biết, sau khi sự việc xảy ra gia đình có lên trình báo với xã, nhưng họ phớt lờ và đến khi anh nộp đơn thưa lên UBND xã và huyện Châu Thành, thì mới được quan tâm. Phía Hội Ủy ban trẻ em xã có giúp đỡ 200.000 đồng. Ngoài ra, Phòng và Sở GD&ĐT tỉnh cũng đã đến thăm và động viên gia đình và hôm nay xe của Sở đã đưa cháu đi khám. Còn bản thân công an hỏi cung thì cũng đã đến thăm và tỏ ra nhận lỗi. "Đây là một sự kiện đáng tiếc và nó lại xảy đến với con tôi. Tôi đã phải nghỉ làm để đi lên đây lo cho bé và bỏ lại bà nội Trâm (73 tuổi) ở nhà một mình. Trước mắt gia đình chỉ lo sao cho Trâm sớm được bình phục còn sự chuyện liên quan thì chúng tôi sẽ tính sau", anh Mười nói.
Đưa Trâm lên khám sáng nay còn có thày Danh là chủ nhiệm lớp. "Trước giờ Trâm là một học sinh giỏi và rất ngoan của trường và lớp. Chúng tôi còn lấy làm tiếc vì mọi chuyện đã xảy ra với Trâm. Tôi hy vọng em Trâm sớm bình phục để đến trường cùng với bạn bè", thày Danh nói.
Nhóm phóng viên