Theo đó, học sinh lớp 12, thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sinh viên đều có thể dự thi. Trong một số năm đầu, Bộ sẽ tổ chức 8 môn thi để thí sinh lựa chọn: Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Trừ Ngữ văn phối hợp tự luận và trắc nghiệm, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm. Thời gian thi môn Toán là 90 phút, các môn khác 60 phút. Để tăng tính khách quan, số phiên bản đề thi trắc nghiệm mỗi môn ít nhất bằng 1/2 số thí sinh trong phòng thi.
Đề thi ra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT nhưng không nhất thiết phải bám sách giáo khoa. Trong đó, 60% nội dung đề thi ra theo chuẩn kiến thức THPT để công nhận tốt nghiệp và 40% nội dung nâng cao để phân loại trình độ, xét tuyển sinh.
Thí sinh thi năng khiếu tại ĐH Sư phạm Trung ương năm 2007. Ảnh: T.D. |
Để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 6 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ và 3 môn tự chọn. Nếu mục đích thi chỉ để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh được miễn phí. Các thí sinh còn lại phải đóng lệ phí theo số môn ngay từ khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
Đối với hầu hết các ngành, để tuyển sinh ĐH, CĐ, TC, các trường phải lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia gồm 2 môn văn hóa (trường ĐH, CĐ) và một môn văn hóa (trường trung cấp). Đối với các ngành năng khiếu, ngoài việc lấy kết quả thi như trên, các trường sẽ tự ra đề và tổ chức thi môn năng khiếu.
Riêng các ngành có yêu cầu đặc biệt như Sư phạm, Ngoại ngữ, Báo chí, Đối ngoại..., các trường căn cứ vào điểm ở kỳ thi THPT Quốc gia để sơ tuyển thí sinh và tổ chức thi tự luận, vấn đáp, thực hành.... một môn theo đề của trường để xét tuyển thí sinh.
Mỗi thí sinh được gán một mã số và đăng ký dự thi ngay tại trường mà thí sinh học xong lớp 12 trong năm tổ chức kỳ thi hoặc từ những năm trước. Sau khi điểm thi được công khai trên mạng, người tốt nghiệp THPT được cấp 3 giấy báo kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ và 5 giấy báo kết quả để tuyển trung cấp.
Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, việc xét tuyển và tổ chức nhập học vào các ĐH, CĐ, TC sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc các trường liên tục hạ điểm chuẩn cho tới khi có tối đa số người trong chỉ tiêu sẽ đáp ứng nhiều nguyện vọng và có lợi cho thí sinh.
Mỗi năm hiện có 4 kỳ thi: Tốt nghiệp THPT (tháng 5 - 6, với hơn 1 triệu thí sinh), Tuyển sinh ĐH, CĐ (đầu tháng 7, với hơn 1,5 triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi, 25% là hồ sơ ảo), Tuyển sinh Cao đẳng (50 trường thi riêng trong tháng 7-8), Tuyển sinh Trung cấp chuyên nghiệp (sau kỳ thi ĐH, CĐ). |
Tiến Dũng
Người gửi: Nguyễn Huy Hoàng
Tôi cho rằng chưa thích hợp với hình thức tuyển sinh đại học. Ý thức nghiêm túc trong thi cử và hội đồng coi thi là chưa được cao, rất khó đảm bảo sự công bằng trong thi cử. Cũng chưa thể áp dụng cách tự theo học tới đâu cấp chứng chỉ tới trình độ đó. Người Việt Nam vẫn mang nặng tư tưởng học khoán để có bằng hoặc chứng chỉ.
Vấn đề các thí sinh đã tốt nghiệp PTTH trước năm 2009 khi muốn thi vào các trường ĐH, CĐ, TC thì sẽ thi tuyển dưới các hình thức nào? Các trường ĐH, CĐ, TH chuyên nghiệp có tuyển sinh các thí sinh loại trên không?
Người gửi: Đức Thảo
Tôi không tin vào tính khả thi của đề xuất trên trong tương lai gần. An ninh trường thi chưa chắc đảm bảo, nạn tuồn đề thi ra ngoài, ném bài giải vào trong chắc chắn sẽ diễn ra, nhất là ở khu vực ngoại ô, nông thôn... Đấy là chưa kể đến tình trạng cả nể khi coi, chấm thi.
Mục đích giảm thiểu số lần thi xuống để tiết kiệm tiền bạc, thời gian của nước của dân là rất đáng hoan nghênh nhưng làm thế nào để thực hiện đồng bộ, công bằng mới là vấn đề khó. Tôi cũng từng đi thi, nhà lại kề bên trường học nơi thường được mượn để tổ chức các kì thi tốt nghiệp THPT nên đã chứng kiến nhiều bất hợp lý.
Người gửi: Đỗ Thị Hằng
Theo tôi là không nên gộp hai kỳ thi vì như vậy sẽ dẫn tới sự không công bằng. Những gia đình có người thân làm giáo viên sẽ nâng đỡ người thân của mình. Dẫn tới những em thực sự giỏi mà không được chọn, còn nhiều em có thể học yếu kém mà lại được chọn. Tôi thấy qua kỳ thi ĐH nghiêm túc sẽ chọn được người tài, tuy có tốn kém và phức tạp hơn.