Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuần trước tuyên bố sẽ đóng cửa điểm thử hạt nhân tại Punggye-ri dưới núi Mantap ở phía đông bắc của đất nước. Triều Tiên đã tiến hành 5 trong số 6 vụ thử hạt nhân tại đây, với vụ nổ lớn nhất vào ngày 3/9/2017 gây ra trận động đất 6,3 độ. Bình Nhưỡng nói rằng họ đã thử bom nhiệt hạch.
Lở đất và động đất sau vụ nổ đã dẫn đến suy đoán rằng địa điểm này bị "triệu chứng núi mỏi", tức ngọn núi gần như không còn sức chống đỡ để đứng vững sau quá trình bị tác động lực cực mạnh từ bên trong. Hai nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc cho rằng cơn dư chấn 4,1 độ diễn ra 8,5 phút sau trận động đất đã khiến đá bên trong núi sụp đổ, theo AFP.
"Cần tiếp tục theo dõi nguy cơ rò rỉ vật liệu phóng xạ do sự cố sụp đổ", Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết trong một bản tóm tắt nghiên cứu trên trang web.
Bản tóm tắt bằng tiếng Anh kết luận vụ sụp đổ "khiến cơ sở hạ tầng ngầm ở núi Mantap không thể được sử dụng cho bất kỳ thử nghiệm hạt nhân nào trong tương lai". Tuy nhiên, bình luận này không có trong phiên bản tiếng Trung.
Nghiên cứu thứ hai có sự tham gia của các nhà khoa học từ Cơ quan Quản lý Động đất Trung Quốc cũng cho rằng dư chấn hồi tháng 9/2017 đã gây ra vụ sụp đổ. Tuy nhiên, họ không kết luận địa điểm này có thể còn được dùng để thử hạt nhân hay không.
Kim Jong-un đưa ra tuyên bố đóng cửa điểm thử hạt nhân Punggye-ri trước thềm cuộc họp với Tổng thống Hàn Moon Jae-in diễn ra vào ngày 27/4. Ông Kim dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Phương Vũ