Sau hơn 2 tháng chuẩn bị, cơ sở cách ly tập trung ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức) với vốn đầu tư ban đầu 3,7 tỷ đồng, diện tích 1.500 m2, quy mô 250 giường được lắp đầy đủ thiết bị ngày 12/10. Công ty hạ tầng kỳ vọng đây là nơi thu dung tầng một, điều trị ca Covid-19 là lao động ở khu. Tuy nhiên, sau hơn một tháng nơi này chưa thể hoạt động, trong khi ca nhiễm ở khu công nghiệp liên tục tăng. Nhiều công nhân là F0 phản ảnh khó liên lạc với y tế địa phương.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) nói nhà đầu tư đang rót thêm tiền để trang bị hệ thống oxy. Hiệp hội vận động các nhà máy trong khu góp kinh phí vận hành, chi trả cho đội ngũ phục vụ. Hơn một tháng "đắp chiếu", doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho lực lượng vệ sinh, bảo vệ, chi phí điện nước...
"Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ thiếu bác sĩ có chuyên môn điều hành và thuốc điều trị", ông Bé nói và cho rằng hai yếu tố này nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp, cần nhà nước hỗ trợ. HBA, Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza) nhiều lần kiến nghị, song tới nay thành phố chưa ban hành quy chế hoạt động cho các khu cách ly tập trung theo mô hình này khiến các nhà đầu tư e ngại về trách nhiệm khi vận hành.
Sau khi thành phố "mở cửa" từ đầu tháng 10, đến nay gần 1.500 nhà máy (chiếm 93% trên tổng số) với hơn 320.000 lao động tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao hoạt động trở lại. Số F0 ngày càng tăng theo quy mô sản xuất của doanh nghiệp, hơn 2.800 công nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị ở nhiều nơi. Một số nhà máy ký kết với các bệnh viện nhưng do quá tải, công nhân nhiễm bệnh vẫn phải lưu giữ kéo dài tại nhà máy.
Theo ông Bé, để sản xuất không bị đứt gãy, giảm tải cho các bệnh viện dã chiến, khu thu dung ở các địa phương, 10 khu công nghiệp quy mô trên 10.000 lao động dự kiến lập các khu điều trị Covid-19 tầng thứ nhất. Các khu công nghiệp còn lại sẽ lập cơ sở cách ly tạm thời.
"Tuy nhiên, do chưa có quy chế nên các công ty hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư khá lúng túng", lãnh đạo HBA nói và lý giải quy chế vận hành là quy định trách nhiệm của chính quyền lẫn nhà đầu tư. Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, thiết bị nhưng cần y tế địa phương tham gia điều hành, hỗ trợ bác sĩ, thuốc điều trị...
Ngoài Khu chế xuất Linh Trung II, Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) và Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) đã chuẩn bị cơ sở, thiết bị cho các điểm cách ly tập trung quy mô hàng trăm giường, song cũng đang chờ hướng dẫn.
Trưởng ban Hepza Hứa Quốc Hưng nói để các các cơ sở cách ly trong khu công nghiệp hoạt động, Sở Y tế TP HCM cần phân công một bệnh viện hoặc đơn vị y tế tại địa phương vận hành. Hiện, Sở Y tế trao đổi với các quận, huyện - nơi có khu công nghiệp trú đóng để thống nhất phương án.
Làm việc với các khu công nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thành lập cơ sở cách ly trong khu công nghiệp. Bởi trong bối cảnh ca nhiễm tăng lên theo quy mô sản xuất của các nhà máy, việc sớm đưa vào hoạt động các cơ sở cách ly này giúp người lao động không phải đi xa, chủ doanh nghiệp an tâm.
Hepza cũng đề nghị thành phố dành riêng một bệnh viện dã chiến tiếp nhận lao động làm việc ở các khu công nghiệp không có điều kiện mở khu cách ly nội bộ.
Giữa tháng 11, khi số ca nhiễm tăng cao, TP HCM kế hoạch mở lại các khu cách ly tập trung, đặc biệt ở những địa phương có nhiều nhà máy. Trước đó, thành phố lập gần 200 khu cách ly quận huyện ở thời gian cao điểm dịch tháng 7-8. Sau khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới giảm, nhiều cơ sở cách ly ngưng hoạt động.
Lê Tuyết