Gặp Nguyễn Hà My, sinh viên năm 2, khoa Tin học ứng dụng (Đại học Sư phạm, Hà Nội) ngoài đời, nhiều người sẽ bị hấp dẫn trước vẻ ngoài của cô. Khuôn mặt thanh tú, nước da trắng, mái tóc đen dài, cùng vóc dáng mảnh mai gợi nên cảm giác hiền thục và đáng yêu. Ngay chính Hà My cũng rất tự tin với vẻ ngoài của mình hiện tại. Nhưng, suốt những năm tuổi thơ cho đến khi 19 tuổi, My đã xấu hổ vì khuôn mặt mình.
Hành trình thay đổi nhan sắc của cô nữ sinh công nghệ
Là con gái thứ 2 trong gia đình có 3 chị em gái, My không may mắn sinh ra đã bị một vết chàm đen to ở cánh mũi. Ở trường, cô bị gọi là "con bé mặt nhọ", "con bé mặt đen". Ở lớp cô bị cô lập, xa lánh. Nhiều hôm My đi học về mà đôi mắt sưng vù vì bị trêu chọc, bị ném quả vào người.
"Có nhiều lần tôi nhào vào lòng bố khóc và hỏi 'Tại sao con lại bị thế này'. Bố mẹ xót xa và hứa sẽ chữa cho tôi", My hồi tưởng.
Khi My học lớp 4, bố đã đưa cô lên Hà Nội tìm cách chữa trị, nhưng thời đó chưa có cách. Những mùa hè tiếp theo, ông bố nghèo đều đặn đưa con lên thủ đô tìm thầy thuốc. "Có hôm hai bố con ngồi xe khách, một người còn nhắc bố tôi: 'Sao ra ngoài mà không lau sạch mặt cho con, để mặt toàn nhọ thế'. Tôi xấu hổ cúi gằm. Bố lại xiết chặt vai", My nhớ lại.
Hè năm lớp 8, kỹ thuật chữa chàm đen đã có ở Hà Nội, My bắt đầu điều trị từ đó đến năm lớp 11. Tổng cộng được khoảng 10 lần bắn lazer, vết chàm đã bớt đen, nhưng rỗ hơn. Nếu điều trị tiếp, tình trạng vết chàm sẽ khá hơn. Song đúng lúc này bố My ngã bệnh ung thư.
Nhà làm nông, mẹ đi chợ buôn bán thêm, mọi thu nhập giờ đều dành thuốc thang cho bố. My cũng gác lại nỗi tự ti của mình. Cô đậu đại học, đi làm thêm để có thêm chi phí ăn học và mong nhanh đến cuối tuần về nhà đỡ đần mẹ, chăm sóc cha. Nhiều hôm lo cho bố, cô lại bắt xe bus về nhà một đêm, sáng hôm sau lại lên trường.
"Trong nhà bố hợp với em nhất, cũng thương em nhất. Đêm Giao thừa năm 2015, bố còn ôm em bảo thấy áy náy vì chưa chữa khỏi chàm cho em và mong mẹ cố chữa bằng được. Sáng mùng Một, sau bữa cơm ngày đầu năm mới, bố em đã lịm đi từ đó", My nghẹn ngào kể.
Sau khi bố mất, Hà My chỉ biết chuyên tâm vào học hành. Cô bước vào đợt thực tập một tháng tại một trường ở Hà Nội. Trước khi thực tập My đã gặp gỡ học sinh, nhưng không tiếp xúc được nhiều do ngại đối diện, sợ ánh mắt của các em. "Lần đó em gặp khá nhiều khó khăn trong công tác chủ nhiệm và không đạt kết quả như mong muốn", My cho hay.
Tình cờ biết đến chương trình phẫu thuật thẩm mỹ trên truyền hình, My đã gửi hồ sơ đăng ký. May mắn cô được lựa chọn sang Hàn Quốc thẩm mỹ miễn phí.
Trong 3 tháng ở Hàn Quốc, My không chỉ được điều trị vết chàm, mà còn được tư vấn chỉnh sửa lại một số điểm trên khuôn mặt cho cân đối hơn. Chiếc hàm được gọt cho thon gọn, nâng mũi lên và nhấn mí. Vết chàm được điều trị sáng và bớt rỗ hơn. Vì thời gian có hạn, trong khi lộ trình điều trị phải mất 6 tháng nên vết chàm vẫn chưa mất hết, dù thế Hà My đã vô cùng hài lòng.
Sau khi kết thúc chương trình điều trị, My quay trở về nước trong sự kinh ngạc của người quen. Khi con gái sà vào vòng tay mình, chị Đặng Thị Hoa (44 tuổi) phải mất một lúc mới dám xác định cô gái xinh xắn này là con mình. "Tôi vô cùng mừng vì vẻ đẹp hiện tại của con. Con học sư phạm và không dám gần gũi với học sinh vì khiếm khuyết trên mặt. Nhờ sự thay đổi này, tương lai của con sẽ rộng mở hơn", chị Hoa nói.
Chị Hoa nói thêm, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nên dù rất cố gắng mà vợ chồng chị chưa thể làm điều tốt nhất cho con. "Lần nào nuôi được lứa lợn là con bé lại ra nhìn, mắt hau háu, lại bảo chữa cho con đi. Nhưng biết vậy mà nhiều lúc phải nhắm mắt cho qua, không thể thành toàn cho con", chị Hoa giãi bày.
Hiện tại Hà My đang theo tiếp chương trình năm thứ 2 đại học. Cô vẫn làm thêm những công việc khác để tự trang trải cuộc sống. Bên cạnh việc phấn đấu giành học bổng mỗi kỳ, cô cũng cố gắng nâng cao khả năng tiếng Anh hơn nữa, với mục tiêu có thể giành được học bổng đi du học như chị gái.
Phan Dương