![]() |
Chủ tịch Giang Trạch Dân. |
Quan chức hàng không và quân sự Trung Quốc buộc tội tình báo Mỹ đã gài những con “rệp” trên chiếc Boeing 767-300ER khi nó được mang sang Mỹ nâng cấp. Đến nay, 27 thiết bị nghe trộm đã được phát hiện, ngay cả trong buồng tắm và phòng ngủ của Chủ tịch Giang Trạch Dân. Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh từ chối bình luận về lời cáo buộc trên. Phát ngôn viên của CIA, Bill Harlow, cũng chưa có ý kiến gì.
Câu chuyện về chiếc Boeing khiến người ta phải để tâm tới một kiểu do thám mới - gài máy nghe trộm trên các máy bay hiện đại dành cho nguyên thủ quốc gia. Những thiết bị đó hết sức tinh vi và phức tạp, hoạt động dưới sự điều khiển của vệ tinh.
Sau sự kiện trên, 20 quan chức thuộc không lực và 2 quan chức của Công ty Xuất nhập khẩu Hàng không Trung Quốc đã bị bắt giữ. Họ đang bị điều tra về tội danh tham nhũng, vì công nâng cấp chiếc máy bay chỉ là 10 triệu USD, trong khi Trung Quốc lại phải chi tới 30 triệu USD cho vụ này. Ngoài ra, một quan chức không quân cấp cao của Trung Quốc cũng bị quản thúc tại gia vì nghi tham gia vào vụ trên. Nhân vật này là người đã đứng ra đàm phán mua máy bay cho chính phủ.
Một số nguồn tin phương Tây đã biết vụ việc này hồi giữa tháng 10 năm ngoái, khi các bạn hàng Trung Quốc mà họ từng hợp tác làm ăn bỗng dưng "bặt vô âm tín". Một số nhân viên và bạn bè của những người đó cho biết họ đã bị bắt để điều tra về vụ gắn "bọ" nghe trộm trên máy bay của Chủ tịch Giang, ngay trước khi người đứng đầu Trung Quốc bay chuyến đầu tiên trên chiếc Boeing 767-300ER tới tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở Thượng Hải. Ông Giang sau đó đã đi bằng một phi cơ khác.
Công ty Xuất nhập khẩu hàng Không Trung Quốc và China United Airlines từ chối bình luận về sự kiện này. Chưa rõ là liệu vụ tai tiếng mới này có ảnh hưởng đến Boeing hay không. Hãng này đã ký một hợp đồng bán máy bay cho Trung Quốc trị giá 2 tỷ USD hồi tháng 9 vừa qua.
Hành trình của chiếc Boeing 767-300ER
Bắc Kinh mua chiếc Boeing 767-300ER vào tháng 6/2000 với giá 120 triệu USD. Sau một thời gian ở Trung Quốc, nó được đưa tới Sân bay Quốc tế San Antonio (Mỹ) để đại tu và bảo dưỡng. Tiền công chi trả cho công việc này là 10 triệu USD và được tiến hành qua cả giai đoạn quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng hồi tháng 4/2001, sau vụ máy bay hai nước đụng nhau trên biển Đông. Trong khi chiếc máy bay được tân trang, cảnh vệ Trung Quốc túc trực 24/24 giờ nhằm giám sát và bảo đảm an ninh.
Mọi công việc hoàn tất vào tháng 8 năm ngoái và chiếc máy bay quay trở lại Trung Quốc ngày 10/8, trong đó có một chặng dừng chân ở Honolulu. Một nhóm gia đình các công nhân tham gia vào công tác sửa chữa đã bay tới Trung Quốc trên chiếc Boeing đó với tư cách là khách mời của chính phủ.
Tháng 9 năm ngoái, một bản thông báo về công tác sửa chữa có trích lời Earl Parker, giám đốc dự án, cho biết, ghế trên máy bay đã được “biến” thành ghế đa năng (có thể kéo ra tận dụng làm chỗ nằm) cho 100 người. Và phòng suite dành riêng cho Chủ tịch Giang gồm có buồng ngủ, buồng tiếp khách và nhà tắm có vòi hoa sen. Họ còn lắp đặt thêm một chiếc TV 48-inch, hệ thống liên lạc qua vệ tinh, hệ thống chống tên lửa và các tiến bộ khoa học hàng không khác.
Quan hệ Mỹ - Trung liệu có bị ảnh hưởng bởi "rệp"?
Những con rệp nghe trộm được gắn lên đó như thế nào vẫn còn là một điều bí ẩn. Một quan chức Mỹ cho rằng tranh cãi xung quanh chiếc máy bay này có thể sẽ trở thành tâm điểm cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng thống Bush, dự kiến diễn ra vào ngày 21/2 tại Bắc Kinh.
Nhưng một số nhà ngoại giao phương Tây lại có quan điểm khác. Họ cho rằng cơn giông tố trong quan hệ Bắc Kinh – Washington sẽ sớm qua. “Đó là điều có thể thấy trước”, một chuyên gia an ninh Trung Quốc nhận định. Nhân vật này lấy ra một dẫn chứng hồi những năm 80. Lúc đó, quan hệ giữa Washington và Matxcơva không bị ảnh hưởng nhiều sau khi Mỹ khám phá Liên Xô đặt “rệp” nghe trộm trong đại sứ quán của họ.
Đã nhiều năm nay, Trung Quốc lo ngại rằng chính phủ các nước phương Tây có thể dùng quyền lực ép các công ty sở tại sử dụng các sản phẩm công nghệ cao nhằm làm phương hại đến an ninh Trung Quốc. Bắc Kinh phải chi hàng triệu USD cho công tác bảo vệ trụ sở Bộ Ngoại giao, chống các thiết bị do thám.
Các chuyên gia phân tích Trung Quốc cho rằng vụ việc mới này càng khẳng định mối quan ngại bấy lâu nay rằng Washington là một người bạn "không đáng tin".
Bá Thùy (theo Washington Post)