![]() |
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ trả lời phỏng vấn của VnExpress. |
- Ông có nhận xét gì về bài bào chữa của luật sư Đặng Văn Luân cho thân chủ của mình - bị cáo Trần Mai Hạnh?
- Một điểm đặc biệt trong bài bào chữa này là luật sư Luân nêu ra nghi vấn của mình rằng có sự thông cung giữa 2 bị cáo Dương Ngọc Hiệp và Trần Văn Thuyết. Việc cơ quan điều tra cho hai bị cáo này đối chất ngày 29/6/2002 chính là nguyên nhân dẫn đến nghi vấn đó. Hai người này không đối lập với nhau thì cần gì phải đối chất. Trong quan hệ với Trần Mai Hạnh họ cùng một phía buộc tội bị cáo Hạnh nhận hối lộ do đó nếu có thì là đối chất giữa từng cặp Hiệp - Hạnh, Thuyết - Hạnh. Điều này cũng thể hiện ở lời khai của Thuyết trong 2 bút lục mà luật sư Luân công bố: “Do trước đây tôi không nhớ các tình tiết nên khai khác. Bây giờ thông qua lời khai của Hiệp, tôi nhớ ra chi tiết và khai lại với cơ quan điều tra…”.
Theo tôi, đây có thể là cách mà cơ quan điều tra tiến hành để củng cố chứng cứ buộc tội. Bởi nếu cùng buộc tội một bị cáo mà mỗi người nói một cách thì ra tòa dễ bị coi là chứng cứ chưa đáng tin cậy. Làm khách quan thì cơ quan điều tra phải giữ nguyên từng bản cung riêng của Hiệp, Thuyết, trình hết ra tòa xem xét quyết định nên tin ở lời khai nào.
- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng cáo buộc thông cung như vậy là vu khống công an nên có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp xử lý ông Luân. Ông nghĩ sao?
- Qua văn bản 071 của cơ quan điều tra, tôi thấy luật sư Luân không có lời lẽ trực tiếp nào mang tính đả kích, bôi nhọ cơ quan điều tra hay viện kiểm sát. Hơn nữa, bất kể là đang trong giai đoạn bào chữa, tranh luận, hay đã tuyên án rồi, cơ quan điều tra cũng không nên ra một văn bản thế này. Luật sư có quyền lập luận để gỡ tội cho thân chủ. Chủ tọa là người điều khiển phiên tòa, có quyền cắt ý kiến của luật sư nếu nằm ngoài phạm vi bào chữa. HĐXX khi nghị án có quyền chấp nhận hay không chấp nhận chứng cứ, lập luật bên buộc tội và gỡ tội. Còn trường hợp này chủ tọa không cắt, không cấm luật sư phát biểu thì chẳng có lý gì cơ quan điều tra phải có ý kiến.
Việc cơ quan điều tra ra văn bản đề nghị xử lý luật sư dễ làm cho mọi người hiểu rằng đây là cách họ gây sức ép, khống chế không cho luật sư nêu ra những điểm sai trong hồ sơ vụ án. Mà luật sư có chỉ ra những điểm mâu thuẫn cũng không thể hiểu đó là mạt sát, bôi nhọ, vu khống. Bôi nhọ, vu khống nghĩa là người ta biết rõ không phải là sự thật mà vẫn tạo ra.
- Nhưng có ý kiến cho rằng luật sư cũng phải phối hợp với cơ quan điều tra, viện kiểm sát để làm sáng tỏ sự thật vụ án?
- Tham gia bào chữa, nêu ra những điểm chưa rõ trong hồ sơ, thậm chí cả những sai sót trong điều tra chính là giúp tòa án làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự nói các cơ quan tố tụng phải xét tất cả các tình tiết liên quan đến vụ án để xác định bị cáo có tội không, có tội thì ở mức độ nào. Luật sư chính là người phát hiện ra các tình tiết đó, nhất là những sai sót, những điểm chưa rõ ràng trong hồ sơ vụ án, trong hoạt động điều tra... để cơ quan tố tụng xem xét, cân nhắc. Biện luận của luật sư luôn mang tính chất phản biện với kết luận của cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Đồng tình một chiều với cơ quan tố tụng - không phải là chức năng của luật sư.
- Song vẫn có những luật sư ra tòa bào chữa theo kiểu cãi lấy được. Ai có quyền "điều chỉnh" những luật sư này?
- Trách nhiệm của luật sư không thể là biến có thành không, không thành có. Thấy rõ là thân chủ có tội, không thể nói là vô tội được. Vấn đề này thuộc về đạo đức nghề nghiệp. Quy chế về đạo đức luật sư quy định luật sư không được cung cấp đưa ra những bằng chứng mà mình biết rõ là không chính xác. Luật sư vi phạm điều cấm này trước hết sẽ bị công luận phản đối, và chính uy tín của họ cũng bị ảnh hưởng. Từng đoàn luật sư có quy chế riêng để xử lý thành viên của mình vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Như ở Đoàn Luật sư Hà Nội, quy chế nói rõ luật sư vi phạm nhẹ thì rút kinh nghiệm trong nội bộ, nặng thì phải kiểm điểm.
Luật sư còn là công dân, nên họ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, phát ngôn của mình. Họ cũng có thể bị xử ký hành chính, hình sự nếu có sai phạm. Nhưng cơ quan chức năng phải chứng minh được sai phạm đó, không thể lạm quyền để uy hiếp hoạt động nghề nghiệp của luật sư.
- Một điểm đặc biệt ở phiên tòa Năm Cam là hàng loạt bị cáo phản cung, bác lời khai trước đó tại cơ quan điều tra. Ông có nhận xét gì?
- Bị cáo phản cung là vấn đề rất bức xúc trong các phiên tòa ở Việt Nam, một phần là do luật tố tụng không có biện pháp mạnh mẽ tạo điều kiện cho luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra, có mặt trong các buổi hỏi cung thân chủ. Hầu hết các buổi hỏi cung không có mặt luật sư, thậm chí Bộ luật Tố tụng hình sự quy định là luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra nhưng các điều tra viên vẫn tìm mọi cách ngăn cản không để luật sư tham gia. Ngay luật cũng quy định rất mâu thuẫn hay có những rào cản. Ví dụ: Luật sư muốn tham gia vụ án phải được điều tra viên, viện trưởng kiểm sát đồng ý. Phiên tòa xét xử trẻ vị thành niên không có luật sư bào chữa thì phải hoãn, bản án tuyên trong điều kiện đó thì phải hủy, nhưng bản cung buộc tội ghi lời khai của bị can vị thành niên vắng mặt luật sư lại được chấp nhận là hợp pháp. Tôi nghĩ đây là lỗ hổng lớn mà lần sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự tới đây phải đặc biệt quan tâm, giải quyết thấu đáo.
Ở những nước có nền dân chủ tư pháp phát triển, bị can, bị cáo có quyền từ chối cung khai nếu vắng mặt luật sư. Sự có mặt của luật sư trong các buổi lấy cung có 2 ý nghĩa: giám sát, không để xảy ra việc mớm cung, bức cung, nhục hình; và không để xảy ra tình trạng phản cung, bác lời khai tại cơ quan điều tra, viện kiểm sát bởi việc lấy cung có người thứ ba chứng giám.
Nghĩa Nhân thực hiện