Cổ phiếu VMD của Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) ngày 10/11 giảm hết biên độ xuống 43.050 đồng và luôn trong tình trạng không có bên mua. Cổ phiếu này đứt mạch tăng trần bốn phiên liên tiếp sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Loan bị bắt ngày 9/11 với cáo buộc bán đấu giá tài sản gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.
VMD chốt phiên với khối lượng cổ phiếu sang tay tại giá sàn gần 94.000 đơn vị. Ngoài ra, còn gần 232.000 cổ phiếu đặt bán tại mức này nhưng chưa khớp lệnh.
VMD biến động rất mạnh trong ba tháng trở lại đây. Cổ phiếu này từ vùng giá 24.000 đồng vào nửa đầu tháng 8 vọt thẳng lên 88.000 đồng vào giữa tháng 9. Thị giá sau khi chạm đỉnh thì lao nhanh về 35.000 đồng, trước khi bật trở lại trong vài phiên gần đây rồi tiếp tục xoay chiều.
Vimedimex là một trong 36 doanh nghiệp được Bộ Y tế cho phép xuất nhập khẩu vaccine, thuốc. Cách đây ba tháng, doanh nghiệp này trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners (đơn vị thành viên của Group 42) của UAE. Theo thoả thuận nguyên tắc, Group 42 ủy quyền cho Vimedimex là đơn vị nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, từ đó đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine Hayat-Vax. Doanh nghiệp này cũng ký hợp đồng nhập khẩu 10 triệu liều vaccine Janssen, 5 triệu liều Pfizer và 10 triệu liều Sputnik V.
Giữa tháng 9, Bộ Y tế đã đồng ý cho Vimedimex nhập khẩu 30 triệu liều Hayat-Vax và thực tế nhận bàn giao 1 triệu liều đầu tiên không lâu sau đó.
Báo cáo tài chính của Vimedimex ghi nhận doanh thu chín tháng đầu năm xấp xỉ 9.800 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 30 tỷ đồng, đều giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty mới phát sinh khoản vay ngắn hạn 360 tỷ đồng (tương ứng 98,25 triệu USD). Khoản vay nhắm mục đích thanh toán chi phí nhập khẩu vaccine Hayat-vax và Sputnik V. Khoản đã trả trước cho Group 42 tính đến cuối tháng 9 hơn 152 tỷ đồng.
Phương Đông