Thông tin Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông và Vận tải về kế hoạch mở lại các đường bay nội địa giúp cổ phiếu của Vietnam Airlines nối dài mạch thăng hoa. HVN sáng nay mở cửa quanh tham chiếu 25.100 đồng, sau đó tăng nhanh và chạm trần vào giữa phiên sáng. Sắc tím được duy trì đến cuối phiên và không có bên bán.
Đây là phiên tăng thứ sáu liên tiếp của HVN, đưa thị giá từ vùng 21.000 đồng lên 26.800 đồng – cao nhất trong vòng một năm qua. Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể khi mỗi phiên trước đây chỉ khoảng 10-15 tỷ đồng thì nay đã xấp xỉ 100 tỷ đồng, tương ứng hơn 3,7 triệu cổ phiếu được sang tay.
HVN hôm nay đứng thứ ba trong danh sách những mã đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với gần 0,7 điểm, xếp sau SAB và MWG. Các cổ phiếu cùng ngành với Vietnam Airlines đã có sự phân hoá, thể hiện qua việc VTR, SAS, SGN, NCT vẫn giữ sắc xanh trong khi VJC lại giảm 1,4% xuống 128.000 đồng. ACV cũng chịu áp lực xả hàng, mất gần 1% so với tham chiếu khi doanh nghiệp này vừa công bố lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét giảm mạnh.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, bên mua chiếm ưu thế hơn bên bán vào buổi sáng nhưng tình thế đảo chiều sau giờ nghỉ trưa. Lực bán xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu trụ như tài chính, bất động sản, nguyên vật liệu, công nghiệp nên VN-Index thủng mốc 1.345 điểm. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đóng cửa tại 1.341 điểm, giảm gần 4 điểm và đứt chuỗi tăng hai phiên trước đó.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với cuối tuần trước, đạt hơn 23.100 đồng. Giao dịch ở các cổ phiếu vốn hoá lớn không sôi động. HPG đứng đầu về giá trị sang tay với gần 1.390 tỷ đồng, tiếp đến là KBC xấp xỉ 1.180 tỷ đồng và VHM hơn 1.050 tỷ đồng dù cả ba cùng giảm mạnh.
Giá trị thoả thuận hôm nay đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Cổ phiếu KBC khớp lệnh mất gần 6% so với tham chiếu nhưng lại được thoả thuận hơn 220 tỷ đồng, chủ yếu ở giá trần 46.000 đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 1.550 tỷ đồng và bán ra 1.980 tỷ đồng, nối dài chuỗi xả hàng phiên thứ 12 liên tiếp. Hai cổ phiếu họ Vingroup là VIC và VHM bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất, lần lượt khoảng 180 tỷ và 160 tỷ đồng.
Phương Đông