Chính phủ đang trưng cầu ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Thuế Thu nhập cá nhân, trong đó quy định rõ hơn về đối tượng nộp thuế và phân loại chi tiết những thu nhập chịu thuế.
Liên quan tới hoạt động đầu tư vốn, dự thảo thông tư quy định những khoản thu nhập nhận được từ việc cho cơ sở sản xuất kinh doanh vay, mua cổ phần hoặc góp vốn sản xuất kinh doanh sẽ phải nộp thuế, với thuế suất toàn phần 5%. Trong đó bao gồm cả cổ tức, lãi trái phiếu, tín phiếu (trừ lãi trái phiếu Chính phủ), khoản chênh lệch giữa giá thị trường và giá vốn của cổ phiếu được mua ưu đãi.
Đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, phần chênh lệch giữa giá chuyển nhượng với giá mua cổ phần cộng các chi phí liên quan sẽ là thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp, giá mua được xác định là giá trị phần vốn tại thời điểm góp. Giá trị vốn góp được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ. Trong trường hợp phần vốn do mua lại, giá mua là giá trị phần vốn đó tại thời điểm mua, căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp.
Các chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; phí và lệ phí nộp ngân sách; chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Nhà đầu tư có thể lựa chọn nộp thuế với 2 mức khác nhau. Nếu đăng ký tạm nộp thuế thu nhập cá nhân theo từng lần chuyển nhượng, quyết toán theo năm thì áp dụng theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.
Trong trường hợp này, nhà đầu tư phải đăng ký thuế và có mã số thuế. Đồng thời phải mở sổ sách kế toán và lưu giữ toàn bộ các chứng từ liên quan đến việc chuyển nhượng. Việc áp dụng thuế suất 20% phải tính trên tổng các loại chứng khoán đã giao dịch trong năm dương lịch.
Trường hợp không đăng ký nộp thuế theo thuế suất 20%, nhà đầu tư có thể áp dụng thuế suất 0,1% trên giá trị mỗi lần chuyển nhượng.
Kỳ Duyên