Dưới đây là chia sẻ của ông Trần Tánh – Phó phòng phân tích và nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam về triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng nóng.
VN-Index chính thức vượt đỉnh lịch sử vào đầu tháng 4, sau đó liên tiếp xác lập những vùng đỉnh cao hơn. Tính theo mức đóng cửa phiên 13/4, chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM đã tăng 11,5% so với đầu năm và 22% so với mức thấp nhất vào ngày 28/1.
Cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt chỉ số vượt qua mốc kháng cự 1.200 điểm để chinh phục những đỉnh cao mới trong giai đoạn vừa qua. So với đầu năm, chỉ số đã tăng 15% và nếu tính tại thời điểm thấp nhất thì mức tăng trưởng lên đến 30%.
CTG là cổ phiếu có mức tăng giá tốt nhất trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Hai mã còn lại là BID và VCB lại giảm so với đầu năm. Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, VIB có mức tăng giá ấn tượng nhất với gần 60% kể từ đầu năm. Theo sau là SHB gần 50% và VPB gần 46%.
Cổ phiếu của nhóm ngân hàng đã được định giá ở mức tương đối cao. Hiện P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) cổ phiếu ngành này ở mức 1,5x và ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) kỳ vọng năm nay là 19%. Tuy nhiên, để VN-Index có thể vượt xa vùng 1.200 điểm, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng để trở thành động lực tăng trưởng chính.
Dự đoán này được đưa ra trên tổng hoà nhiều yếu tố:
Thứ nhất, thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào dựa trên kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ. Hạn mức tăng trưởng tín dụng cơ quan điều hành cấp cho các ngân hàng tương đối thận trọng để tránh bong bóng giá tài sản, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Nhóm ngân hàng quốc doanh có hạn mức khá thấp như Agribank 6,5%, BID và CTG 7,5%, VCB 10,5%. Hạn mức dành cho nhóm tư nhân chênh lệch không nhiều, điển hình như VIB 8,5%, STB 9%, ACB 9,5%, MBB 10,5% và TCB 12%.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy Ngân hàng Nhà nước thường cấp hạn mức tín dụng thấp vào đầu năm và điều chỉnh tăng trong nửa cuối năm. Đơn cử, hạn mức của Vietcombank năm ngoái tăng từ 12% lên 14%, còn MBB tăng vọt từ 11,8% lên 20%. Đây là cơ sở để chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng dần hạn mức để đạt kế hoạch tăng trưởng 12% hoặc cao hơn.
Thứ hai, chi phí dự phòng rủi ro được dự báo giảm nhưng chủ yếu ở các ngân hàng đã có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Các ngân hàng có mức trích lập dự phòng thấp trong năm 2020 buộc phải tăng cường trích lập năm nay để hạn chế tác động đến chất lượng tài sản, từ đó kéo lợi nhuận xuống.
Tuy nhiên, điều này không quá đáng ngại bởi dự thảo Thông tư 03 mới để sửa đổi Thông tư 01 cho phép các ngân hàng được trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu tối đa trong ba năm.
Thứ ba, NIM (biên lãi ròng) sẽ tương đương hoặc cao hơn không nhiều so với năm ngoái. Các ngân hàng có thể vẫn giữ mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng. Lợi thế sẽ thuộc về những ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao như VCB, MBB, TCB.
Cuối cùng, thu nhập phí (đặc biệt là mảng bancassurance) sẽ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm nay. Nhiều ngân hàng đã ký hợp đồng độc quyền bán chéo bảo hiểm và ghi nhận phí trả trước trong năm nay như ACB, VCB.
Ngoài ra, doanh thu từ bán bảo hiểm cũng là động lực tăng trưởng cho năm nay và các năm tới. Xu hướng này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi tăng trưởng tín dụng có khả năng được siết dần trong tương lai. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã tương đối cao (trên 140%) nên Chính phủ có thể tính đến những giải pháp dài hạn để tập trung nhiều hơn cho thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
Với chiến lược đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tìm đến những cổ phiếu có câu chuyện riêng như ACB sắp được thêm vào các rổ chỉ số, VPB thoái vốn FE Credit hoặc sức hút từ những cổ phiếu mới lên sàn như MSB, OCB, SSB. Trong dài hạn, tôi khuyến nghị 3 cổ phiếu của các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và kinh doanh hiệu quả là VCB, ACB, MBB.
VCB, thị giá 97.500 đồng, mục tiêu 114.650 đồng: Vietcombank là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất và luôn đứng ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng mô hình CAMEL (dự trên vốn, tài sản, quản lý, lợi nhuận, thanh khoản). Tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,61% trong quý cuối năm ngoái và tỷ lệ bao phủ nợ 377% nên có nhiều dư địa để giảm dự phòng mà không làm suy giảm chất lượng tài sản trong năm nay. Bên cạnh đó, việc ghi nhận phí trả trước và doanh thu bán bảo hiểm sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
ACB, thị giá 34.600 đồng, mục tiêu 38.115 đồng: ACB cũng có chất lượng tài sản tốt và xếp hạng cao theo mô hình CAMEL. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu năm ngoái đạt mức cao thứ ba trong hệ thống ngân hàng với 160%. Điều này giúp ngân hàng linh hoạt trong việc giảm trích lập dự phòng, thúc đẩy lợi nhuận năm nay. Các chất xúc tác ngắn hạn bao gồm sự gia tăng nguồn thu phí trong dài hạn từ thương vụ độc quyền bancassurance và tiềm năng được thêm vào các rổ chỉ số (ví dụ VN30, VNDiamond).
MBB, thị giá 29.200 đồng, mục tiêu 34.233 đồng: MBB có lợi thế vốn rẻ, thể hiện qua tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) quý cuối năm ngoái đạt 41%, cao hơn rất nhiều so với trung vị ngành là 15%. Cho vay cá nhân và cho vay doanh nghiệp là những động lực chính giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tương tự VCB và ACB, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao giúp MBB dễ linh hoạt để giảm tỷ lệ trích lập dự phòng. MBB đang giao dịch tương ứng P/B dự phóng năm nay đạt 1,3x, thấp hơn trung vị ngành nhưng chất lượng tài sản tốt nên tôi tin rằng xứng đáng có mức định giá cao hơn so với các ngân hàng khác.
Trần Tánh
* Khuyến nghị của chuyên gia không nhất thiết trùng với quan điểm của VnExpress