MBB có mức giá tham chiếu khá thấp và kế hoạch trả cổ tức 15% trong 3 năm tới, với tỷ lệ cổ tức trên thị giá khoảng 11,54%, cao hơn khá nhiều ngân hàng khác đang niêm yết.
Theo báo cáo tài chính 2010, lợi nhuận trước thuế của MBB đạt 2.288 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2009. 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của MBB đạt 1.088, 4 tỷ đồng. Nếu so sánh tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn năm 2010, MBB thuộc loại cao với 29,02%.
![]() |
Giao dịch tại Ngân hàng Quân đội (MB). |
Ngoài ra, MBB cũng có nhiều lợi thế đem lại triển vọng trong giao dịch. Lợi thế đầu tiên là quy mô vốn hóa của MBB sẽ thuộc nhóm dẫn đầu thị trường. Số lượng cổ phiếu MBB lưu thông tự do lớn (không bị hạn chế chuyển nhượng hoặc sở hữu nhà nước). Do đó, cho dù HSX có áp dụng cách tính bộ chỉ số mới (để loại bỏ những nhiễu động của phần sở hữu nhà nước, phần hạn chế chuyển nhượng), MBB vẫn sẽ nằm trong danh sách có ảnh hưởng lớn, dù quy mô vốn có thể nhỏ hơn một số ngân hàng khác.
Điểm thứ hai, là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với MBB bằng 0, tức là cơ hội mua của khối này sẽ rất lớn. Tính đại chúng của MBB khá cao với 9.261 cổ đông, trong đó 131 cổ đông tổ chức. Hai cổ đông lớn nhất là Viettel và Vietcombank cũng chỉ sở hữu 10% và 11% vốn.
Điểm thứ ba, MBB có truyền thống thanh khoản lớn từ khi còn giao dịch trên thị trường OTC, với biệt danh "vua cổ phiếu OTC". MBB sẽ có triển vọng lớn là duy trì được đặc tính này khi niêm yết, vì điều kiện giao dịch sẽ thuận lợi hơn nhiều. Thanh khoản cao là một trong những tiêu chí quan trọng hấp dẫn các tổ chức đầu tư.
Hiện tại, có 8 ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng lại hình thành ba nhóm rất rõ rệt. Nhóm ngân hàng nhà nước mới cổ phần hóa như CTG, VCB cổ đông nhà nước vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối. Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, quy mô tài chính mạnh, khả năng sinh lời cao như ACB, STB, EIB. Còn lại là một số ngân hàng nhỏ như SHB, HBB, NVB.
![]() |
Nhân viên MB tư vấn cho khách hàng. |
Khác với thời điểm trước năm 2010, cổ phiếu ngân hàng gần đây không được giới đầu tư ưa chuộng chủ yếu vì tính đầu cơ rất thấp. Mặc dù, xét về mặt cơ bản, đa số cổ phiếu ngân hàng đều hấp dẫn về mặt dài hạn, nhờ mức lợi nhuận hàng năm lớn, dòng tiền mặt từ cổ tức tốt.
Hiện tại nhóm cổ phiếu ngân hàng được cho là định giá thấp so với mặt bằng chung trong khi triển vọng kinh doanh khả quan. Từ năm 2008 đến nay, thị trường tài chính nói chung gặp khó khăn nhưng các ngân hàng, nhất là ngân hàng niêm yết, vẫn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận tốt. Mức tăng trưởng bình quân năm 2010 vẫn đạt 31%, trong đó các ngân hàng nổi bật như EIB, MBB, TCB, MSB đều là các đại diện trong khối ngân hàng thương mại cổ phần. Năm 2011 được dự báo là năm khó khăn của ngành ngân hàng với nhiều biến động vĩ mô phức tạp nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận ngành dự kiến vẫn trên 20%.
Theo một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), hiện cổ phiếu ngành ngân hàng đang được định giá ở mức P/E khoảng 8,5 lần. Mức giá này không cao so với thị trường, thậm chí thấp hơn một số ngành như thực phẩm (12,9 lần), bảo hiểm (14,4 lần), bất động sản (11,5 lần), chứng khoán (10,8 lần). Ngoài ra, các cổ phiếu ngành ngân hàng của Việt Nam được định giá thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Philippines, cả về P/E (8,5x) và P/B (1,2x).
Trong khi đó, khả năng sinh lời của các ngân hàng Việt Nam lại tương đối tốt, trung bình ROA và ROE đạt lần lượt 1,4% và 16,6%.
Kỳ Duyên