VN-Index mở cửa trong sắc xanh nhưng nhanh chóng rung lắc. Sau 10h, chỉ số này đổi màu khi tâm lý thận trọng phủ khắp thị trường, áp lực bán gia tăng, còn lực cầu chỉ xuất hiện lác đác. Tuy nhiên, VN-Index không giảm quá sâu nhờ diễn biến khả quan hơn hẳn ở nhóm bluechip, trong đó nổi bật có CII và MSN.
Đi sát bên dưới tham chiếu đến nửa đầu buổi chiều, chỉ số đại diện sàn HoSE bắt đầu trở mình. VN-Index từng bước cải thiện và chốt phiên gần 1.270 điểm, tăng gần 8,6 điểm so với hôm qua.
Kết quả trên có sự đóng góp lớn từ nhóm VN30 khi rổ này có 20 mã tăng giá, chốt phiên tích lũy thêm hơn 11,6 điểm. Trong khi xét trên toàn thị trường, số lượng cổ phiếu tăng và giảm không chênh lệch quá nhiều, lần lượt là 258 và 212 mã. Bán lẻ, tiêu dùng, chứng khoán và thép là những nhóm có chỉ số ngành tăng mạnh trong hôm nay.
Với thanh khoản gần 960 tỷ đồng - xếp thứ ba toàn sàn và mức giá trần đạt được những phút cuối phiên - MSN trở thành cổ phiếu dẫn dắt chính. Gần 70% khớp lệnh đến từ bên mua chủ động. Việc mua ròng hơn trăm tỷ đồng của khối ngoại cũng hỗ trợ đáng kể cho thị giá MSN. Tổng lại, mã chứng khoán của Tập đoàn Masan trở thành cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index.
Cùng HAG, VNM hay DBC, ngành tiêu dùng có diễn biến rất tốt. Đà tăng của nhóm này đến từ câu chuyện phục hồi sức mua năm nay. Nhiều công ty chứng khoán cho rằng, sản xuất dần trở mình, lãi suất thấp cùng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ là trợ lực đáng kể để kích thích chi tiêu.
Với yếu tố hưởng lợi tương tự, nhóm bán lẻ hôm nay cũng ghi nhận các mã tăng trưởng tốt như MWG (5,5%), FRT (2,3%) hay PNJ (1,3%).
Tuy VN-Index tăng điểm, tâm lý thận trọng vẫn thể hiện rõ khi thanh khoản đi lùi. Tổng giá trị giao dịch sàn HoSE đạt khoảng 24.300 tỷ đồng, giảm hơn 4.200 tỷ so với hôm qua. Nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng hơn 100 tỷ đồng sau hai phiên ưu tiên gom hàng.
Tất Đạt