Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen chốt phiên giao dịch sáng 2/11 với mức giảm mạnh so với tham chiếu, còn 8.100 đồng. Phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp khiến thị giá HSG giảm xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm 2016 đến nay.
Cổ phiếu này đã liên tiếp “nằm sàn” trong phiên giao dịch cuối tháng 10 và đầu tháng 11 do ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh kém khả quan của quý cuối niên độ tài chính 2017 - 2018. Khối lượng giao dịch vào ngày công ty công bố báo cáo tài chính cũng tăng đột biến lên gần 15 triệu đơn vị, gấp năm lần bình quân trước đó.
HSG cũng là một trong hai trường hợp ngoại lệ của nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường do mất đến 6,96% so với giá tham chiếu, trong khi các mã còn lại đều tăng mạnh và hỗ trợ thị trường ngắt mạch giảm điểm chín phiên liên tiếp.
Cuối tháng 8, Công ty cổ phần Chứng khoán Đông Á từng ra khuyến nghị nhà đầu tư cắt lỗ nếu HSG giảm dưới 9.800 đồng bởi thị trường đang phản ứng quá nhanh với những khó khăn về thị phần, chi phí sản xuất và nợ vay. Thị giá cổ phiếu này tại thời điểm đó vào khoảng 10.500 đồng.
Một số công ty chứng khoán cho rằng, vấn đề đáng lo ngại hiện tại của Hoa Sen là quản trị doanh nghiệp. Bởi ngày càng nhiều nhà đầu tư mất dần sự tin tưởng với đội ngũ lãnh đạo công ty do chính sách quản lý hàng tồn kho tác động lớn đến lợi nhuận, cộng thêm một số vấn đề liên quan đến hệ thống phân phối, giao dịch với các công ty liên quan đến người nội bộ.
Yếu tố trợ giá cổ phiếu này trong ngắn hạn vừa được thực hiện là ghi nhận 120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ thương vụ bán cổ phần tại Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept, bên cạnh tiềm năng lợi nhuận không thường xuyên từ chuyển nhượng các dự án bất động sản tại khu Đông TP HCM.
Theo báo cáo tài chính vừa được Tập đoàn Hoa Sen công bố, doanh thu thuần hợp nhất quý IV niên độ tài chính 2017 - 2018 tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, lên trên 8.500 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng hơn 30 lần, cộng thêm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm nhưng biến động lớn bởi giá vốn bán hàng khiến kết quả kinh doanh của Hoa Sen lao dốc. Công ty báo lỗ sau thuế xấp xỉ 102 tỷ đồng, trở thành khoản lỗ đầu tiên trong vòng tám năm qua.
Lũy kế cả niên độ, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt trên 34.400 tỷ đồng và 410 tỷ đồng. Trong khi doanh thu vượt 15% kế hoạch thì lợi nhuận sau thuế mới hoàn thành hơn 30% chỉ tiêu ban lãnh đạo công ty đề ra.
Tổng nợ phải trả giảm đáng kể so với thời điểm đầu niên độ, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn vốn với hơn 16.000 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính chiếm đến 14.340 tỷ đồng, gấp gần ba lần vốn chủ sở hữu.
Phương Đông