Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/10, VNM tăng 4.000 đồng lên 106.000 đồng, thanh khoản đạt trên 2 triệu đơn vị. FPT tăng 1.800 đồng lên 46.700 đồng, BMI tăng trần lên 22.700 đồng, BMP tăng 5.000 đồng lên 120.000 đồng, NTP tăng 3.700 đồng lên 53.300 đồng.
Trước đó, thị trường đón nhận thông tin Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp hàng đầu trong đó có Vinamilk, FPT, Bảo hiểm Bảo Minh, Nhựa Tiền phong, Nhựa Bình Minh… SCIC hiện nắm vai trò quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Cổ phiếu được SCIC thoái vốn đồng loạt tăng mạnh.
Với những công ty Chính phủ quyết định không thoái vốn như: Tập đoàn Bảo Việt, Traphaco, Dược Hậu Giang… cũng chịu tác động không nhỏ. BVH giảm 2.500 đồng xuống còn 57.500 đồng, DHG giảm 1.000 đồng còn 67.000 đồng, TRA giảm 1.000 đồng xuống còn 83.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Nhìn chung, thị trường hôm nay có sự phân hóa mạnh. Dòng cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ: VCB giảm 700 đồng, CTG giảm 200 đồng, MBB giảm 100 đồng, BID giảm 200 đồng. Một số cổ phiếu có vốn hóa lớn cũng giảm điểm: HAG giảm 200 đồng, GAS giảm 500 đồng, VIC giảm 300 đồng…
Các mã cổ phiếu ngành dệt may, thủy sản được hưởng lợi trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đảo chiều giảm điểm: TCM và TNG giảm 300 đồng, HVG giảm 200 đồng, TTF giảm 200 đồng. Chốt phiên, VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,86 điểm, đạt 590 điểm, thanh khoản là 2.222 tỷ đồng. Toàn sàn có 102 mã tăng điểm trong khi có tới 116 mã giảm. HNX-Index tăng nhẹ 0,12 điểm lên gần 80,7 điểm, thanh khoản đạt 387 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định việc Chính phủ cho thoái hết vốn Nhà nước tại 10 công ty lớn là một bước đột phá giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận nhiều hơn đối với những blue chips lớn như VNM và FPT. Tuy nhiên, HSC cho rằng thị trường sẽ còn phải chờ 3 yếu tố: Thời gian thực hiện cụ thể; thay đổi về định nghĩa công ty/nhà đầu tư nước ngoài như trong dự thảo thay thế Thông tư 74 có được phê duyệt hay không và danh sách ngành kinh doanh có điều kiện.
Báo cáo của đơn vị này đánh giá, động cơ đằng sau quyết định này có liên quan đến tình hình ngân sách hiện nay, trong đó Chính phủ dự kiến dùng tiền từ bán tài sản để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. "Thị trường chắc chắn sẽ đón nhận thông tin này một cách tích cực do hiện tại đang thiếu hụt nguồn cung các cổ phiếu chủ chốt dẫn đến khó thu hút các dòng vốn lớn hơn vào thị trường", HSC nhận định.
Trog khi đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng động thái mới của Nhà nước có thể mở đường cho sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty này nếu được cho phép và quyết định sẽ nâng tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài.
VCSC còn cho rằng, diễn biến này có thể tạo ra kịch bản FPT nâng sở hữu tại FPT Telecom từ mức 45,64% hiện tại. "FPT Telecom được chúng tôi dự báo sẽ đóng góp khoảng 30% lợi nhuận trước thuế cho FPT năm 2015, là một trong những mảng dẫn dắt tăng trưởng chính cho FPT trong dài hạn cùng với mảng xuất khẩu phần mềm", báo cáo nhận định.
Bạch Dương