Nếu chỉ nhìn vào chỉ số, phiên giao dịch đầu tuần này diễn ra tương đối "yên bình". VN-Index giữ sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch, với biên độ biến động hai chiều chỉ quanh ngưỡng 10 điểm. Thanh khoản cao hơn trung bình gần đây, tín hiệu được giới phân tích lưu ý trong các báo cáo cuối tuần trước, với giá trị giao dịch trên HoSE đạt gần 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào từng nhóm cổ phiếu, diễn biến thực tế hoàn toàn khác.
Đà tăng của thị trường chỉ phụ thuộc vào một số cổ phiếu, như dầu khí hay phân bón. Các mã chủ chốt hai nhóm này đều bật cao, tiến gần mức giá trần. Trong khi đó, phần còn lại của thị trường với một số nhóm được chú ý như bất động sản, ngân hàng, đầu cơ, biến động rất mạnh.
Các mã bất động sản giữ sắc xanh cho tới cuối phiên sáng nhưng đều bị bán ồ ạt trong phiên chiều. Lo ngại của Ngân hàng Nhà nước về rủi ro khi tín dụng chảy mạnh vào bất động sản đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Các mã khác như ngân hàng, xây dựng cũng đảo chiều.
Chốt phiên, VN-Index mất mốc 1.300 điểm, thu hẹp đà tăng còn hơn 2 điểm, đạt hơn 1.290 điểm. VN30-Index giảm nhẹ 0,36 điểm xuống 1.327,04 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chốt phiên dưới tham chiếu.
Dù tăng điểm, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo trên bảng điện. Sàn HoSE ghi nhận hơn 300 mã giảm giá vào cuối phiên, so với 141 mã tăng. Trong nhóm vốn hóa lớn, 16/30 mã bluechip đóng cửa trong sắc đỏ.
Hưởng lợi từ giá dầu đạt đỉnh, các cổ phiếu dầu khí đứng đầu trong nhóm tăng giá. BSR chốt phiên tăng hơn 10%, vượt ngưỡng 30.000 đồng. OIL, PLX tăng trên 3%, PVS, PVC có thêm hơn 1%.
Cổ phiếu phân bón, hóa chất, hay bán lẻ cũng giao dịch tích cực. Mã DCM của Đạm Cà Mau tăng hơn 6%, DPM, BFC có thêm hơn 5%. Trong nhóm bán lẻ, MSN, MWG cùng vượt tham chiếu cuối phiên.
Ngược lại, nhóm bất động sản và đầu cơ diễn biến tiêu cực. Trong nhóm bất động sản, DIG, PTL, DXG giảm hết biên độ, CEO mất trên 6%, CII, QCG, NBB, ITA giảm trên 2%. Các mã này trước đó giữ sắc xanh vào đầu giờ. Trong nhóm đầu cơ, cổ phiếu liên quan tới FLC và nhóm Louis đều trong tình trạng "trắng bảng bên mua".
Minh Sơn