Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, hiệu lực từ 15/9, thay thế Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT được phép kiểm soát 5 loại giấy tờ liên quan người và phương tiện, gồm:
- Giấy phép lái xe;
- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
- Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe);
- Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định);
- Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ).
CSGT cũng sẽ kiểm tra các nội dung sau:
1/ Điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông
Hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông; điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng theo quy định.
Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới.
2/ Việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ (nội dung mới được bổ sung trong thông tư 32)
Tính hợp pháp của hàng hóa, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật; số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ.
3/ Kiểm soát nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Hà Nội) phân tích: Vận tải đường bộ gồm hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách. Do đó, khi nói đến kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ nghĩa là CSGT sẽ có quyền kiểm tra tất nội dung liên quan đến phương tiện, hàng hóa và hành khách.
Ví dụ: Xe có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận chuyển? Xe có niên hạn sử dụng đúng quy định? Có chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe hành khách? Có chở người, hàng hóa vượt quá trọng tải, số lượng quy định?
Hàng hóa trên xe có hợp pháp (hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, hàng có thuộc danh mục cấm vận chuyển...) chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước vận chuyển có đảm bảo gọn gàng và chằng buộc, che đậy chắc chắn? ...
Luật sư cho biết thông thường CSGT chỉ kiểm tra phần bên ngoài của hàng hóa (quy cách đóng gói, chủng loại, giấy tờ nguồn gốc xuất xứ), còn muốn khám xét bên trong hàng hóa cần tuân theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tức là, chỉ khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính, CSGT mới có quyền khám bên trong kiện hàng, theo Điều 128.
Đối chiếu các căn cứ pháp luật trên để giải đáp thắc mắc của độc giả Anh Tú, luật sư Tuyến cho rằng Thông tư 32 và cả các văn bản pháp luật khác "đều không có nội dung nào quy định CSGT được tùy ý kiểm tra" ví, cốp xe, điện thoại hay vật dụng cá nhân của người điều khiển phương tiện.
Việc này chỉ được phép khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; hoặc trong phương tiện vận tải, đồ vật bị kiểm tra, có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.
Quyền này cũng chỉ được dành cho một số người, được giới hạn trong khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính, như Trưởng Công an phường, Trưởng Công an huyện, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội...
Trường hợp đặc biệt, CSGT có quyền khám bên trong hàng hóa chỉ khi có căn cứ cho rằng, nếu không khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.
Người dân được xuất trình giấy tờ tích hợp VNeID thay bản giấy?
Trong danh mục 5 loại giấy tờ CSGT được phép kiểm tra khi dừng phương tiện, Thông tư 32 cũng nêu "khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ, việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ".
Luật sư Tuyến cho hay, theo quy định trên, người dân khi bị CSGT dừng xe, có thể xuất trình giấy tờ đã tích hợp VNeID thay giấy tờ bản giấy. Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (mã số định danh cá nhân), mật khẩu (gửi qua tin nhắn điện thoại khi đăng ký).
Khi kích hoạt thành công tài khoản ở cấp độ hai, người dân có thể sử dụng dịch vụ tiện ích mà Bộ Công an cùng các bộ ngành liên quan xây dựng tích hợp, trong đó có giấy phép lái xe, đăng ký xe, là hai loại giấy tờ người tham gia giao thông có thể trình khi bị CSGT dừng kiểm tra phương tiện, luật sư nêu. Đây cũng là điểm mới, so với Thông tư 65/2020 trước đây.
Tuy nhiên, luật sư Tuyến cũng lưu ý dù đã tích hợp được các giấy tờ này trên ứng dụng VNeID, độc giả vẫn nên mang theo giấy phép lái xe, đăng ký xe và một số giấy tờ khác. Bởi Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ, hiện vẫn bắt buộc người dân mang theo giấy phép lái xe giấy khi điều khiển phương tiện giao thông.
"Do đó, nếu không mang giấy phép lái xe, độc giả vẫn có thể bị CSGT xử phạt vi phạm hành chính, lỗi không mang giấy tờ xe khi tham gia giao thông", luật sư Tuyến nêu.
Hải Thư