Tôi mong được giải đáp cụ thể.
Độc giả Tuấn Hưng
Luật sư tư vấn
Hiện nay, theo điểm e khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái. Như vậy, khi dừng xe thì tài xế không được phép xuống xe.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định: "Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của xe trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên xe, xuống xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe hoặc hoạt động khác. Khi dừng xe không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái, trừ trường hợp rời khỏi vị trí lái để đóng, mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe nhưng phải sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác".
Như vậy, từ ngày 1/1/2025 khi dừng xe, tài xế ôtô được phép rời khỏi vị trí lái để đóng, mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe nhưng phải bảo đảm biện pháp an toàn khi dừng.
So với Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định một cách chi tiết hơn về các trường hợp không được dừng xe. Khoản 2 Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định ngắn gọn: "Không được dừng xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định".
Khoản 4 Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe tại các vị trí sau:
- Bên trái đường một chiều.
- Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất.
- Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép.
- Gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép dừng xe, đỗ xe.
- Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường.
- Cách xe ôtô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố hẹp, dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường.
- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường.
- Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau.
- Điểm đón, trả khách.
- Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra, vào.
- Tại nơi phần đường có chiều rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới.
- Trong phạm vi an toàn của đường sắt.
- Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông.
- Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM