Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định đối tượng quản lý lý lịch tư pháp như sau:
Điều 5: Đối tượng quản lý lý lịch tư pháp
1. Công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của toà án Việt Nam, toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
2. Người nước ngoài bị toà án Việt Nam kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.
3. Công dân Việt Nam, người nước ngoài bị toà án Việt Nam cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong quyết định tuyên bố phá sản đã có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, pháp luật Việt Nam chỉ quản lý lý lịch tư pháp với công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của toà án Việt Nam, toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Do bạn chưa cung cấp thông tin người phạm tội cụ thể ở nước nào, chúng tôi chưa thể xác định giữa Việt Nam và nước đó có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hay không. Nếu tồn tại điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự thì trong lý lịch tư pháp của người đó sẽ thể hiện nội dung về việc người này phạm tội và bị kết án tại nước ngoài.
Nếu hai nước không tồn tại điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, trong lý lịch tư pháp của người đó sẽ thể hiện nội dung “không có án tích”, tức là việc người này phạm tội ở nước ngoài không bị thể hiện trong lý lịch tư pháp.
Luật sư Lê Minh Trường
Giám đốc Công ty luật Minh Khuê, Hà Nội