Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng quy định: "Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh".
Theo quy định này, khi xây nhà, bạn phải đảm bảo an toàn, không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những nhà liền kề xung quanh trong đó có việc đảm bảo sự toàn vẹn về công trình
Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015 về mốc giới ngăn cách các bất động sản quy định nếu công trình bạn xây dựng liên quan đến việc sử dụng tường chung hoặc tài sản chung với hàng xóm (ví dụ: hàng rào, tường giáp ranh hoặc hệ thống thoát nước chung), bạn cần có sự đồng ý của họ.
Việc xây nhà của bạn cũng không được "lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng","không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác", theo Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên, nếu không có tài sản chung hoặc yêu cầu đặc biệt khác, việc xây dựng không cần phải có sự đồng ý của hàng xóm.
Trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn tranh chấp, UBND cấp huyện/xã có trách nhiệm tiếp nhận và xem xét kiểm tra các giấy tờ pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và quá trình thi công để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng theo khoản 2 điều 164 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi bổ sung năm 2018, 2019, 2020).
Nếu xã/phường hòa giải không thành, tòa án sẽ là nơi phân xử tranh chấp này. Như vậy, nếu bạn đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và giấy phép xây dựng hợp lệ, hàng xóm không có quyền ngăn cản việc xây dựng của bạn. Mọi khiếu nại của hàng xóm phải được cơ quan chức năng thẩm tra và xử lý theo đúng quy trình pháp luật, không phụ thuộc vào ý kiến riêng lẻ của họ.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội